Quản trị Tài Chính Nguồn Vốn Vốn lưu động ròng (VLĐR) là gì? Công thức và ý nghĩa...

Vốn lưu động ròng (VLĐR) là gì? Công thức và ý nghĩa chỉ số vốn lưu động ròng

tìm hiểu chi tiết về vốn lưu động ròng

Chỉ số vốn lưu động ròng (VLĐR) là chỉ số làm thước đo sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Nếu VLĐR > 0, doanh nghiệp đang vận hành ổn định, có đủ vốn dài hạn để duy trì và phát triển. Nếu VLĐR < 0, doanh nghiệp có thể đang đối mặt với rủi ro mất cân đối tài chính, thậm chí là mất thanh khoản.

Vậy vốn lưu động ròng là gì? Công thức tính ra sao? Doanh nghiệp cần làm gì để tối ưu chỉ số này?

1. Vốn lưu động ròng là gì?

Vốn lưu động ròng là chỉ số tài chính quan trọng, phản ánh mức chênh lệch giữa nguồn vốn thường xuyên (NVTX) với tài sản cố định (TSCĐ) và tài sản đầu tư dài hạn (TSDH).

VLĐR là chỉ số phản ánh mức độ an toàn và bền vững của nguồn vốn doanh nghiệp. Chỉ số này cho biết doanh nghiệp có đủ nguồn vốn dài hạn để tài trợ cho tài sản cố định hay không? Đồng thời có đủ dư địa tài chính để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định không bị gián đoạn không?

vốn lưu động ròng là gì

2. Công thức tính vốn lưu động ròng

Vốn lưu động ròng được tính bằng công thức sau:

infoVốn lưu động ròng (VLĐR) = Nguồn vốn thường xuyên – (Tài sản cố định + Tài sản đầu tư dài hạn)

Trong đó:

  • Nguồn vốn thường xuyên (NVTX) = Vốn chủ sở hữu  + Nợ dài hạn
  • Tài sản cố định (TSCĐ) = nhà máy, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải,….
  • Tài sản đầu tư dài hạn (ĐTDH) = Các khoản đầu tư dài hạn như góp vốn vào công ty con, chứng khoán, bất động sản đầu tư.

Ý nghĩa:

  • Nếu VLĐR > 0: Doanh nghiệp có vốn dài hạn dư để tài trợ tài sản ngắn hạn => tài chính tốt.
  • Nếu VLĐR < 0: Doanh nghiệp phải vay nợ ngắn hạn để bù đắp cho tài sản dài hạn => Rủi ro tài chính cao.
  • Nếu VLĐR = 0: Doanh nghiệp có đủ vốn để tài trợ cho tài sản cố định và đầu tư dài hạn => Không an toàn và hiếm khi xảy ra.

Ví dụ minh họa cách tính VLĐR:

Giả sự doanh nghiệp A có số liệu trên báo cáo tài chính năm 2024 như sau:

  • Nguồn vốn thường xuyên = 50 tỷ đồng (bao gồm vốn chủ sở hữu và nợ dài hạn)
  • Tài sản cố định = 30 tỷ đồng (máy móc, nhà xưởng, dây chuyền sản xuất)
  • Tài sản đầu tư dài hạn = 10 tỷ đồng (đầu ty vào công ty con, chứng khoán)

Áp dụng công thức:

=> VLĐR (DN A) = 50 – (30 + 10) = 10 tỷ đồng > 0

Kết luận, VLĐR ( dương 10 tỷ đồng) => chứng tỏ doanh nghiệp A có tình hình tài chính vững mạnh có thể mua nguyên vật liệu, tái đầu tư hay mở rộng sản xuất mà không phụ thuộc vào nợ ngắn hạn.

3. Phân tích ý nghĩa chỉ số vốn lưu động ròng

Nguồn vốn thường xuyên bao gồm vốn chủ sở hữu và nợ dài hạn, đây là nguồn vốn cần phải được sử dụng để tài trợ cho tài sản cố định hoặc đầu tư dài hạn.

Nếu nguồn vốn thường xuyên không đủ để tài trợ, lúc này doanh nghiệp phải sử dụng vốn ngay ngắn hạn nhưng lại đầu tư cho tài sản cố định và đầu tư dài hạn.

Do đó, doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực chi phí tài chính tăng cao nhưng nguồn tiền về từ tài sản cố định và đầu tư dài hạn lại rất lâu. Đây là rủi ro rất lớn khiến doanh nghiệp có thể mất khả năng thanh khoản.

Dưới đây là bảng so sánh chi tiết khi VLĐR > 0, < 0 và = 0:

Chỉ số VLĐR > 0 (dương) VLĐR < 0 (âm) VLĐR = 0
Tài chính Ổn định, lành mạnh Mất cân đối, rủi ro cao Cân bằng nhưng không linh hoạt
Khả năng thanh khoản Cao, có đủ vốn lưu động Thấp, dễ gặp khó khăn tài chính Đủ duy trì hoạt động nhưng không có dư địa
Khả năng phát triển Có thể mở rộng đầu tư Hạn chế, do phụ thuộc vào nợ Khó mở rộng nếu không có thêm vốn
Rủi ro tài chính Thấp, ít phụ thuộc vào nợ Cao, có thể dẫn đến mất khả năng thanh toán Trung bình, dễ bị ảnh hưởng bởi thị trường

4. Cách cải thiện vốn lưu động ròng hiệu quả

Dựa vào công thức tính để tăng VLĐR lên, ta chỉ có thể thực hiện bằng cách tăng vốn lưu động thường xuyên hoặc giảm tài sản cố định và đầu tư dài hạn.

Cụ thể như sau:

  • Gia tăng nguồn vốn thường xuyên: doanh nghiệp có thể tăng vốn thường xuyên bằng cách huy động vốn từ nhà đầu tư như cổ phiếu, giữ lại lợi nhuận, tăng cường vay dài hạn hợp lý, tái cơ cấu nợ (chuyển khoản vay ngắn hạn thành dài hạn),…
  • Tối ưu tài sản cố định bằng cách chỉ đầu tư vào TSCĐ thực sự cần thiết và có khả năng tạo lợi nhuận cao, bán các tài sản kém hiệu quả để tăng vốn lưu động.
  • Tối ưu khoản đầu tư dài hạn bằng cách chỉ đầu tư cho các dự án mang lại lợi nhuận cao, thoái vốn khỏi các dự án dài hạn không hiệu quả.

5. Các chỉ số khác liên quan đến vốn lưu động ròng

VLĐR là một chỉ số tài chính và để có cái nhìn tổng quan hơn về nguồn vốn, chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư, kế toán viên cần xem xét thêm các chỉ số khác như:

  • Chỉ số vốn lưu động.
  • Chỉ số vốn lưu động thuần (NWC).
  • Tỷ lệ thanh toán nhanh.
  • Tỷ lệ thanh toán hiện tại.
  • Tỷ số D/E (nợ dài hạn trên vốn chủ sở hữu).
  • Tỷ lệ vòng quay hàng tồn kho.
  • Tỷ lệ quay vòng các khoản phải thu.
  • Tỷ lệ quay vòng khoản phải trả.

Kết luận:

Với doanh nghiệp, chỉ số vốn lưu động ròng cần phải được kiểm soát và theo dõi để duy trì luôn dương. Đây là điểm quan trọng để đánh giá tình trạng sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp.

Với các nhà đầu tư thì đây là một chỉ số có thể giúp đánh giá hiệu quả quản trị sự dụng vốn của doanh nghiệp, để cân nhắc thêm về quyết định đầu tư.