Quy định Bảo Hiểm Hợp đồng thử việc có cần phải đóng Bảo hiểm xã hội...

Hợp đồng thử việc có cần phải đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc không?

1789
Hợp đồng thử việc có cần phải đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc không?

Hợp đồng thử việc có cần phải đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc không là câu hỏi của nhiều doanh nghiệp và kế toán viên cũng như người lao động. Hãy cùng Ketoan.vn tìm hiểu nội dung này nhé!

Đối tượng phải đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc theo quy định năm 2019

Theo quy định mới nhất về BHXH năm 2019 tại Điểm 1.2, khoản 1, điều 4, QĐ số 595/QĐ-BHXH quy định những đối tượng sau phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc:

“Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;…”

Như vậy, người lao động có hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng sẽ phải đóng BHXH bắt buộc.

So sánh hợp đồng thử việc và hợp đồng lao động

Vì 02 loại hợp đồng này đều cùng nói về việc thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, nên để phân loại 2 hợp đồng này cần dựa trên nội dung của 02 hợp đồng.

Nội dung của hợp đồng lao động

Điều 23 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định như sau:

“Điều 23. Nội dung hợp đồng lao động

Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp

b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động;

c) Công việc và địa điểm làm việc;

d) Thời hạn của hợp đồng lao động;

đ) Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;

g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

i) Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế;

k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Hợp đồng thử việc có cần phải đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc không?

Nội dung của hợp đồng thử việc

Theo điều 26 của Bộ Luật Lao động số 10/2012/QH13 gồm các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và h khoản 1 Điều 23 của Bộ luật số 10/2012/QH13, gồm có:

a) Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp.

b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động.

c) Công việc và địa điểm làm việc.

d) Thời hạn của hợp đồng lao động.

đ) Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.

h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.

Kết luận so sánh

Như vậy, so với nội dung của hợp đồng lao động, hợp đồng thử việc sẽ không phải có các nội dung:

e) Chế độ nâng bậc, nâng lương.

i) Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Vì vậy. khi doanh nghiệp ký hợp đồng thử việc người sử dụng lao động, doanh nghiệp sẽ không phải thỏa thuận các nội dung về bảo hiểm xã hội trên hợp đồng thử việc. Từ đó, doanh nghiệp cũng không phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động trong thời gian thử việc khi ký kết hợp đồng thử việc.

Thời gian của thử việc có nên đặt trong hợp đồng lao động không?

Theo hướng dẫn tại Công văn 2447/LĐTBXH-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam: “Trong trường hợp, thời gian thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà hợp đồng lao động đó thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì người sử dụng lao động và người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho cả thời gian thử việc. Mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian thử việc là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động.”

Vì vậy, nếu doanh nghiệp không ghi thời gian thử việc trong hợp đồng lao động thì doanh nghiệp sẽ không phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động trong thời gian thử việc.

Lưu ý: Theo quy định tại khoản 3 Điều 186 Bộ luật Lao động, nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động trong thời gian thử việc, người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định mức về mức đóng bảo hiểm xã hội mới nhất.

Trên đây là nội dung “Hợp đồng thử việc có cần phải đóng BHXH bắt buộc không?”. Hy vọng bài viết đã cung cấp được thông tin hữu ích cho bạn.

>> Thay mới 18 thủ tục hành chính trong giải quyết BHXH

>> Những vướng mắc nào khi chấm dứt hợp đồng lao động dễ gặp phải?