Nghiệp Vụ old Hướng dẫn hạch toán tài khoản 151 – Hàng mua đang đi...

Hướng dẫn hạch toán tài khoản 151 – Hàng mua đang đi đường theo Thông tư 200

384

Tài khoản 151 phản ánh giá trị của vật tư, hàng hóa doanh nghiệp đã mua nhưng còn đang trên đường vận chuyển. Ketoan.vn xin cung cấp cho bạn đọc phương pháp kế toán tài khoản 151 chuẩn theo Thông tư 200 tại bài viết dưới đây.

Phương pháp kế toán tài khoản 151 - Hàng mua đang đi đường

Nguyên tắc kế toán

1. Tài khoản 151 phản ánh trị giá của các loại hàng hóa, vật tư mua ngoài thỏa mãn đồng thời:

  • Đã thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp.
  • Đang trên đường vận chuyển hoặc đã về đến doanh nghiệp nhưng đang chờ nhập kho.

2. Hàng hóa, vật tư được coi là đang đi đường khi:

  • Hàng mua ngoài đã thanh toán tiền hoặc đã chấp nhận thanh toán nhưng còn để ở kho người bán, ở bến cảng, bến bãi hoặc đang trên đường vận chuyển.
  • Hàng mua ngoài đã về đến doanh nghiệp nhưng đang chờ kiểm nghiệm, kiểm nhận nhập kho.

3. Kế toán hàng mua đang đi đường được ghi nhận trên tài khoản 151 theo nguyên tắc giá gốc. Nguyên tắc này quy định trong Chuẩn mực kế toán “Hàng tồn kho”.

4. Hàng ngày, khi nhận được hóa đơn mua hàng nhưng hàng chưa về nhập kho: kế toán tiến hành đối chiếu với hợp đồng kinh tế và lưu hóa đơn vào tập hồ sơ riêng: “Hàng mua đang đi đường”. Lưu ý: lúc này kế toán chưa ghi sổ kế toán. Trong tháng, khi hàng về nhập kho, kế toán mới ghi sổ trực tiếp vào các tài khoản.

5. Đến cuối tháng, nếu hàng vẫn chưa về thì kế toán ghi sổ tài khoản 151 “Hàng mua đang đi đường”. Kế toán phải mở chi tiết cho từng loại hàng hóa, vật tư.

Kết cấu tài khoản 151 – Hàng mua đang đi đường

Bên Nợ:

– Trị giá hàng hóa, vật tư đã mua đang đi đường.

– Kết chuyển trị giá thực tế của vật tư mua đang đi đường cuối kỳ (nếu doanh nghiệp hạch toán HTK theo phương pháp kiểm kê định kỳ).

Bên Có:

– Trị giá hàng hóa, vật tư đã mua đang đi đường đã về nhập kho hoặc đã chuyển giao thẳng cho khách hàng.

– Kết chuyển trị giá thực tế của hàng hóa, vật tư đã mua đang đi đường đầu kỳ (nếu doanh nghiệp hạch toán HTK theo phương pháp kiểm kê định kỳ).

Số dư bên Nợ: Trị giá hàng hóa, vật tư đã mua nhưng còn đang đi đường.

Hướng dẫn hạch toán một số giao dịch chủ yếu

Phương pháp kế toán tài khoản 151 - Hàng mua đang đi đường

1. Doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên

*Cuối kỳ kế toán, kế toán hạch toán như sau:

– Nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, giá mua hàng là giá chưa có thuế GTGT. Khi đó, kế toán ghi như sau:

Nợ TK 151 – Hàng mua đang đi đường: giá chưa có thuế GTGT

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

Có TK 331 – Phải trả cho người bán (hoặc Có các TK 111, 112, 141,…)

– Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, giá mua là giá có thuế GTGT. Kế toán hạch toán như sau:

Nợ TK 151 – Hàng mua đang đi đường: giá có thuế GTGT

Có TK 331 – Phải trả cho người bán (hoặc Có các TK 111, 112, 141,…)

*Khi hàng về nhập kho, kế toán hạch toán như sau:

Nợ TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu

Nợ TK 153 – Công cụ, dụng cụ

Nợ TK 156 – Hàng hóa

Có TK 151 – Hàng mua đang đi đường.

*Trường hợp vật tư đã mua đang đi đường không nhập kho mà giao thẳng cho khách hàng:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (hoặc Nợ TK 157 – Hàng gửi đi bán)

Có TK 151 – Hàng mua đang đi đường.

*Trường hợp hàng mua đang đi đường bị hao hụt, mất mát phát hiện ngay khi phát sinh hoặc khi kiểm kê cuối kỳ:

Nợ TK 1381 – Tài sản thiếu chờ xử lý

Có TK 151 – Hàng mua đang đi đường.

2. Doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ.

*Đầu kỳ:

Kế toán kết chuyển trị giá thực tế của hàng hóa, vật tư đang đi đường đầu kỳ:

Nợ TK 611 – Mua hàng

Có TK 151 – Hàng mua đang đi đường.

*Cuối kỳ:

Kế toán ghi sổ căn cứ vào kết quả kiểm kê hàng hóa, vật tư đã mua nhưng chưa về nhập kho:

Nợ TK 151 – Hàng mua đang đi đường

Có TK 611 – Mua hàng.

Trên đây là phương pháp kế toán tài khoản 151 chuẩn theo Thông tư 200. Mời bạn đọc tham khảo và áp dụng. Chúc các bạn thành công.

Xem thêm:

Phương pháp kế toán tài khoản 611 – Mua hàng theo Thông tư 200

Phương pháp kế toán tài khoản 412 – Chênh lệch đánh giá lại tài sản theo Thông tư 200

Cách hạch toán tài khoản 217 – Bất động sản đầu tư theo Thông tư 200