Kinh nghiệm Hướng dẫn cách tính khấu hao tài sản cố định theo phương...

Hướng dẫn cách tính khấu hao tài sản cố định theo phương pháp đường thẳng

1698

Hàng tháng, kế toán phải thực hiện tính khấu hao của TSCĐ sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp. Một trong những phương pháp tính khấu hao thông dụng nhất hiện nay đó chính là phương pháp đường thẳng. Ketoan.vn sẽ hướng dẫn bạn những quy định và phương pháp tính khấu hao tài sản cố định theo phương pháp đường thẳng.

khấu hao TSCĐ theo phương pháp đường thẳng

1. Quy định về phương pháp khấu hao TSCĐ theo đường thẳng

Theo Điều 13, Thông tư 45/2013/TT/BTC quy định về cách tính khấu hao tài sản cố định, phương pháp khấu hao đường thanwgt là phương pháp trích khấu hao theo mức tính ổn định từng năm vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp của TSCĐ tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp được phép lựa chọn các phương pháp trích khấu hao phù hợp đối với từng loại TSCĐ của doanh nghiệp dựa trên khả năng đáp ứng điều kiện áp dụng quy định cho từng phương pháp khấu hao.

Doanh nghiệp tự quyết định phương pháp trích khấu hao với thời gian trích khấu hao TSCĐ theo quy định tại Thông tư và phải thông báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước khi bắt đầu thực hiện.

Phương pháp trích khấu hao áp dụng cho từng TSCĐ mà doanh nghiệp đã lựa chọn và phải thông báo cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý phải được thực hiện nhất quán trong suốt quá trình sử dụng tài sản cố định.

Trong trường hợp đặc biệt cần thay đổi phương pháp trích khấu hao, doanh nghiệp phải giải trình rõ sự thay đổi về cách thức sử dụng TSCĐ để đem lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp.

Mỗi TSCĐ chỉ được thay đổi phương pháp trích khấu hao một lần duy nhất trong quá trình sử dụng và phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

2. Nội dung phương pháp khấu hao đường thẳng

Phương pháp khấu hao đường thẳng được quy định tại Phụ lục 02 Thông tư 45/2013/TT/BTC, như sau:

TSCĐ trong doanh nghiệp được trích khấu hao theo phương pháp khấu hao đường thẳng thông qua các bước sau:

  • Xác định mức trích khấu hao trung bình hàng năm

Mức trích khấu hao trung bình hàng năm = Nguyên giá tài sản cố định/ Thời gian khấu hao

  • Xác định mức khấu hao trung bình hàng tháng

Mức khấu hao trung bình hàng tháng = Mức khấu hao trung bình hàng năm/12 tháng

Lưu ý:

  • Nếu mua TSCĐ ngay trong tháng, kế toán thực hiện trích khấu hao luôn theo công thức sau

Mức trích khấu hao trong tháng phát sinh = (Mức trích khấu hao theo tháng/Tổng số ngày của tháng phát sinh) x Số ngày sử dụng trong tháng

Trong đó:

Số ngày sử dụng trong tháng = Tổng số ngày của tháng phát sinh – Ngày bắt đầu sử dụng +1

  • Nếu thời gian trích khấu hao hay nguyên giá của TSCĐ thay đổi, doanh nghiệp phải xác định lại mức trích khấu hao trung bình của TSCĐ bằng cách lấy giá trị còn lại trên sổ kế toán chia cho thời gian trích khấu hao xác định lại hoặc thời gian trích khấu hao còn lại của TSCĐ. Thời gian trích khấu hao còn lại được xác định là chênh lệch giữa thời gian trích khấu hao đã đăng ký trừ thời gian đã trích khấu hao.
  • Mức trích khấu hao cho năm cuối cùng của thời gian trích khấu hao được xác định là hiệu số giữa nguyên giá TSCĐ và số khấu hao lũy kế đã thực hiện đến năm trước năm cuối cùng của TSCĐ đó.

3. Ví dụ thực tế

Ví dụ: Ngày 1/3/2020, Công ty Cổ phần X mua một máy photo mới trị giá 50.000.000 đồng (giá chưa bao gồm thuế GTGT), chi phí vận chuyển 2.000.000 đồng (chưa bao gồm thuế GTGT), chi phí lắp đặt và chạy thử 3.000.000 đồng.

Đền ngày 5/3/2020 thì máy photo đã lắp đặt và chạy thử xong và được doanh nghiệp đưa vào sử dụng. Doanh nghiệp đã nộp Thông báo đăng ký phương pháp trích khấu hao TSCĐ với cơ quan thuế. Máy photo phục vụ cho bộ phận quản lý.

Cách tính khấu hao theo phương pháp đường thẳng

Cụ thể như sau:

  • Bước 1: Xác định thời gian trích khấu hao

Theo quy định tại Khung thời gian sử dụng các loại TSCĐ (Phụ lục I Thông tư 45/2013/TT-BTC), máy photo có thời gian sử dụng từ 7 đến 15 năm. Doanh nghiệp lựa chọn trích khấu hao trong vòng 10 năm.

  • Bước 2: Xác định nguyên giá của TSCĐ:

Nguyên giá = 50tr + 2tr + 3tr = 55 triệu đồng

  • Bước 3: Xác định mức khấu hao hàng năm

Mức khấu hao hàng năm = Nguyên giá TSCĐ/ Thời gian sử dụng hữu ích = 55/10 = 5.5 triệu/năm

  • Bước 4: Xác định mức khấu hao hàng tháng

Mức khấu hao hàng tháng = Mức khấu hao hàng năm/12 tháng = 5.5/ 12 = 458.000 đồng/tháng

  • Bước 5: Xác định mức khấu hao trong tháng 3/2020

Công ty bắt đầu sử dụng TSCĐ từ ngày 5/3 và đã thông báo với cơ quan thuế về phương pháp trích khấu hao và thời gian trích khấu hao.

Do đó, mức khấu hao trong tháng 3/2020 = Mức khấu hao theo tháng / Tổng số ngày của tháng 3/2020 x Số ngày sử dụng trong tháng 3

Số ngày sử dụng trong tháng 3/2020 = Tổng số ngày của tháng 3 – Ngày bắt đầu sử dụng + 1 = 31 – 5 +1 = 27 ngày

=> Mức trích khấu hao trong tháng 3 = (458.000/31)x27 = 398.900 đồng

Như vậy, trong tháng 3/2020, doanh nghiệp trích 398.900 đồng vào chi phí quản lý doanh nghiệp.

Xem thêm bài viết tại

Cách hạch toán chi tiết Tài khoản 214 – Hao mòn tài sản cố định

3 phương pháp trích khấu hao tài sản cố định

Có được trích khấu hao với tài sản cố định chưa sử dụng không?