Kinh nghiệm Hướng dẫn tính giá hàng hóa trong nước và hàng hóa nhập...

Hướng dẫn tính giá hàng hóa trong nước và hàng hóa nhập khẩu

1899

Hàng hóa khi được bán ra thị trường phải gánh thêm một số loại thuế cũng như qua tính toán trong quá trình sản xuất mà xác định giá trị. Nhưng hàng hóa trong nước và hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc xuất xứ khác nhau nên cách tính giá cũng khác nhau. Vậy cách tính giá hàng hóa trong nước và hàng hóa nhập khẩu như thế nào? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé!

1. Cách tình giá hàng hóa mua trong nước

Giá trị của hàng hóa được tính theo nguyên tắc giá gốc: tức là giá hàng nhập kho bằng tổng tất cả chi phí phải bỏ ra tính đến khi hàng hóa được nhập vào kho của doanh nghiệp.

Cách tính giá hàng hóa trong nước như sau:

Giá nhập kho = giá trên hóa đơn + các loại thuế, phí không được hoàn lại – các khoản giảm giá + chi phí phát sinh trong quá trình mua hàng.

– Giá trên hóa đơn là giá của hàng hóa mua về được ghi trên hóa đơn (hóa đơn GTGT) mà đơn vị mua được nhận. Giá trên hóa đơn GTGT được xác định còn tùy thuộc vào phương pháp tính thuế GTGT của đơn vị, doanh nghiệp đó:

+ Đối với doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, giá trên hóa đơn là giá hàng hóa khi chưa có thuế GTGT, được ghi ở dòng Tổng cộng tiền hàng.

+ Đối với doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp, giá trên hóa đơn là giá hàng hóa đã bao gồm thuế GTGT, được ghi ở dòng Tổng cộng thanh toán.

giá hàng bao gồm chi phí vận chuyển

– Các loại thuế, phí không được hoàn lại là:

+ Thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt: thông thường giá hàng hóa ghi trên hóa đơn là giá đã bao gồm các loại thuế này.

+ Thuế trước bạ, phí đăng ký: thuế này được tính nếu hàng hóa là xe cơ giới.

– Các khoản giảm giá là:

+ Chiết khẩu thương mại: doanh nghiệp sẽ được đơn vị bán hàng giảm cho một khoản tiền nếu mua hàng với số lượng lớn, là khách hàng thân thiết.

+ Giảm giá hàng mua: mặt hàng hóa đang được đơn vị bán hàng giảm giá, khuyến mại.

– Chi phí phát sinh trong quá trình mua hàng, bao gồm:

+ Chi phí vận chuyển, bốc dỡ: nếu doanh nghiệp là người phải chịu chi phí này.

+ Chi phí mua hàng: chi phí cho nhân viên mua hàng, công tác phí….

+ Chi phí hao hụt tự nhiên: đối với các mặt hàng có phát sinh hao hụt khi để lâu ngày.

+ Chi phí bảo hiểm

+ Chi phí lưu kho: đối với hàng hóa phải lưu kho.

+ Chi phí chạy thử, lắp đặt: đối với hàng hóa phải lắp đặt, chạy thử kiểm tra.

2. Cách tính giá hàng hóa nhập khẩu

hàng nhập khẩu

Giá nhập kho = Giá trên hóa đơn + các loại thuế, phí không được hoàn lại – các khoản giảm giá + chi phí phát sinh trong quá trình mua hàng

Trong đó:

– Giá trên hóa đơn: là giá của hàng hóa mà doanh nghiệp mua về được ghi trên hóa đơn bán hàng GTGT. Giá trên hóa đơn GTGT được xác định còn tùy thuộc vào phương pháp tính thuế GTGT của đơn vị, doanh nghiệp đó:

+ Đối với doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ: giá trên hóa đơn là giá hàng hóa khi chưa có thuế GTGT, được ghi ở dòng Tổng cộng tiền hàng.

+ Đối với doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp: giá trên hóa đơn là giá hàng hóa đã bao gồm thuế GTGT, được ghi ở dòng Tổng cộng thanh toán.

– Các loại thuế, phí không được hoàn lại:

+ Thuế bảo vệ môi trường: nếu hàng hóa đó chịu loại thuế bảo vệ môi trường.

+ Thuế tiêu thụ đặc biệt: nếu hàng hóa mua về là hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định.

+ Thuế trước bạ, phí đăng ký: nếu hàng hóa là xe cơ giới.

+ Thuế nhập khẩu: đói với hàng hóa nhập khẩu.

– Các khoản giảm giá là:

+ Giảm giá hàng mua: đối với hàng hóa được bên bán hàng giảm giá, khuyến mại.

+ Chiết khấu thương mại: doanh nghiệp sẽ được giảm một khoản tiền nếu mua hàng hóa với số lượng lớn, là khách hàng thân thiết.

– Chi phí phát sinh trong quá trìn mua hàng:

+ Chi phí mua hàng: chi phí cho nhân viên mua hàng, công tác phí….

+ Chi phí hao hụt tự nhiên: đối với các mặt hàng hóa có phát sinh hao hụt khi để lâu ngày.

+ Chi phí vận chuyển, bốc dỡ: đối với hàng hóa nặng, nhiều cần vận chuyển, bốc dỡ.

+ Chi phí lưu kho: đối với hàng hóa phải lưu kho.

+ Chi phí bảo hiểm: đối với hàng hóa dễ hỏng, dễ vỡ cần bảo hiểm.

+ Chi phí chạy thử, lắp đặt: đối với hàng hóa phải lắp đặt, chạy thử.

+ Chi phí chuyển tiền, phí mở L/C, hoa hồng bên ủy thác: nếu là hàng nhập khẩu.

tính giá hàng nhập khẩu

Ví dụ: Công ty A nhập khẩu 1.000kg phân bón của công ty B ở Mỹ; giá nhập khẩu tại cửa khẩu Việt Nam (CIF) 400.000đ/kg, Công ty A đã thanh toán cho công ty B, chi phí mở L/C là 3.000.000 đồng. Mặt hàng này thuộc diện chịu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT, thuế suất thuế nhập khẩu 30%, thuế tiêu thụ đặc biệt 50%, thuế GTGT 10%. Tiền thuê bến bãi theo giá chưa có thuế GTGT 1.000.000đ, thuế suất thuế GTGT 10%. Tiền vận chuyển từ cảng về đến công ty theo giá chưa có thuế GTGT 13.000.000đ. Hàng đã nhập kho đủ.

Giá nhập kho của hàng hóa nhập khẩu này được tính như sau:

– Giá hóa đơn: 1.000 x 400.000 = 400.000.000 đồng

– Thuế không hoàn lại:

+ Thuế nhập khẩu: 400.000.000 x 30% = 120.000.000 đồng

+ Thuế TTDDB: (400.000.000 + 120.000.000) x 50% = 260.000.000 đồng

– Chi phí phát sinh liên quan:

+ Tiền vận chuyển: 13.000.000 đồng

+ Tiền bến bãi: 1.000.000 đồng

+ Phí mở L/C: 3.000.000 đồng

=> Giá nhập kho của lô hàng này là: 400.000.000 + (120.000.000 + 260.000.000) + (13.000.000 + 1.000.000 + 3.000.000) = 797.000.000 đồng.

Như vậy chúng ta vừa tìm hiểu cách tính giá hàng hóa trong nước và hàng hóa nhập khẩu. Hy vọng thông tin này hữu ích cho các bạn, đặc biệt những kế toán viên mới vào nghề còn chưa có nhiều kinh nghiệm trong công việc. Chúc bạn luôn hoàn thành tốt công việc!

Xem thêm:

Hàng hóa tài sản bị hư hỏng, xử lý thuế GTGT thế nào?

Hướng dẫn sử dụng hóa đơn thương mại thay thế cho hóa đơn xuất khẩu

Điểm danh những mặt hàng không chịu thuế GTGT mới nhất