Kế toán doanh nghiệp siêu nhỏ Phương pháp kế toán tài khoản 211 – Tài sản cố định...

Phương pháp kế toán tài khoản 211 – Tài sản cố định theo hướng dẫn của Thông tư 132

342

Tài khoản 211 – Tài sản cố định được dùng để phản ánh giá trị còn lại hiện có và tình hình biến động về giá trị còn lại của tài sản cố định thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp siêu nhỏ. Bài viết sẽ nêu ra các nguyên tắc kế toán và hướng dẫn các bạn định khoản các nghiệp vụ cơ bản liên quan đến tài khoản 211 – Tài sản cố định theo hướng dẫn của Thông tư 132/2018/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ.

Phương pháp kế toán tài khoản 211 - Tài sản cố định theo hướng dẫn của Thông tư 132

1. Nguyên tắc kế toán

a. Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị còn lại hiện có và tình hình biến động về giá trị còn lại của tài sản cố định (TSCĐ) thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp siêu nhỏ.

b. TSCĐ phải được theo dõi, quản lý, sử dụng, ghi nhận, xác định nguyên giá, tính và trích khấu hao theo đúng quy định tại Thông tư số 45/2013/TT-BTC hướng dẫn về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

c. TSCĐ của doanh nghiệp siêu nhỏ bao gồm TSCĐ hữu hình và TSCĐ vô hình.
  • TSCĐ hữu hình là những tài sản có hình thái vật chất do doanh nghiệp siêu nhỏ nắm giữ để sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc hoạt động khác phù hợp với tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ hữu hình. Tùy theo yêu cầu quản lý, doanh nghiệp siêu nhỏ có thể theo dõi chi tiết TSCĐ hữu hình theo từng loại, từng nhóm như nhà cửa vật kiến trúc, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị,….
  • TSCĐ vô hình là những tài sản không có hình thái vật chất nhưng xác định được giá trị, do doanh nghiệp siêu nhỏ nắm giữ sử dụng trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ hoặc cho các đối tượng khác thuê và phù hợp với tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ vô hình. Tùy theo yêu cầu quản lý, doanh nghiệp siêu nhỏ có thể theo dõi chi tiết TSCĐ vô hình theo từng loại, từng nhóm như quyền sử dụng đất, bản quyền, bằng sáng chế, quyền phát hành, chương trình phần mềm,….

d. Giá trị TSCĐ phản ánh trên TK 211 theo giá trị còn lại. Giá trị còn lại của TSCĐ là số chênh lệch giữa nguyên giá TSCĐ và giá trị khấu hao lũy kế của TSCĐ. Nguyên giá TSCĐ được xác định như sau:

  • Nguyên giá TSCĐ mua sắm bao gồm: Giá mua (trừ các khoản được chiết khấu thương mại, giảm giá), và các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng như chi phí vận chuyển và bốc xếp ban đầu, chi phí lắp đặt, chạy thử và các chi phí liên quan trực tiếp khác.
  • Nguyên giá TSCĐ hữu hình nhận góp vốn là giá trị do các sáng lập viên hoặc thành viên góp vốn thỏa thuận theo quy định của pháp luật.
e. TSCĐ phải được theo dõi chi tiết cho từng loại TSCĐ và địa điểm bảo quản, sử dụng, quản lý TSCĐ trên “Sổ Tài sản cố định”.

f. TSCĐ của doanh nghiệp siêu nhỏ giảm do nhượng bán, thanh lý, mất mát, phát hiện thiếu khi kiểm kê, tháo dỡ một hoặc một số bộ phận… đều phải được ghi sổ kế toán. Mọi trường hợp phát hiện thừa hoặc thiếu TSCĐ đều phải tìm nguyên nhân để hạch toán chính xác, kịp thời, theo từng trường hợp cụ thể.

2. Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 211 – Tài sản cố định

Bên Nợ:

  • Nguyên giá của TSCĐ tăng do mua sắm, do nhận vốn góp, xây lắp, trang bị thêm hoặc do cải tạo nâng cấp.

Bên Có:

  • Trích khấu hao TSCĐ theo quy định;
  • Giá trị còn lại của TSCĐ giảm do nhượng bán, thanh lý, tháo bớt một hoặc một số bộ phận…

Số dư bên Nợ:

  • Giá trị còn lại của TSCĐ hiện có cuối kỳ ở doanh nghiệp.

3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu

3.1. Kế toán tăng TSCĐ

a) Trường hợp nhận vốn góp của chủ sở hữu, ghi:
Nợ TK 211 – TSCĐ (theo giá thỏa thuận)
Có TK 411 – Vốn chủ sở hữu (4111)

b) Trường hợp mua sắm TSCĐ:
Nợ TK 211 – TSCĐ
Nợ TK 1313 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 331,…

3.2. Trích khấu hao TSCĐ dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, ghi:

Nợ TK 9112 – Các khoản chi phí (Khấu hao TSCĐ dùng cho bộ phận bán hàng, bộ phận quản lý doanh nghiệp)
Nợ TK 1524- Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang (Khấu hao TSCĐ dùng cho hoạt động sản xuất sản phẩm, dịch vụ)
Có TK 211 – TSCĐ (Số khấu hao TSCĐ từng kỳ)

3.3. Kế toán giảm TSCĐ do thanh lý, nhượng bán TSCĐ, ghi:

– Phản ánh số thu thanh lý, nhượng bán TSCĐ, ghi:
Nợ các TK 111, 131,…
Có TK 9111 – Doanh thu và thu nhập (91118)
Có TK 33131 – Thuế giá trị gia tăng phải nộp (nếu có).

– Phản ánh giảm giá trị TSCĐ do thanh lý, nhượng bán:
Nợ TK 9112 – Các khoản chi phí (giá trị còn lại)
Có TK 211 – TSCĐ (giá trị còn lại).

– Phản ánh chi phí thanh lý, nhượng bán, ghi:
Nợ TK 9112 – Các khoản chi phí
Nợ TK 1313 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 331,…

– Phản ánh số thu từ thanh lý, nhượng bán, ghi:
Nợ TK 111 – Tiền
Có TK 9111 – Doanh thu và thu nhập (91118)
Có TK 33131 – Thuế giá trị gia tăng phải nộp (nếu có)

3.4. Kế toán TSCĐ phát hiện thừa, thiếu khi kiểm kê:

a) TSCĐ phát hiện thừa

– Phản ánh giá trị TSCĐ thừa chưa rõ nguyên nhân, ghi:
Nợ Tài khoản 211 – Tài sản cố định
Có TK 331 – Các khoản nợ phải trả (3318)

– Khi đã rõ nguyên nhân, căn cứ vào quyết định xử lý, ghi:
Nợ TK 331 – Các khoản nợ phải trả (3318)
Có TK 111, 4111, 91118… .

b) TSCĐ phát hiện thiếu:

– Nếu TSCĐ thiếu đã rõ nguyên nhân, căn cứ vào quyết định xử lý, ghi:
Nợ TK 131 – Các khoản nợ phải thu (nếu bắt bồi thường nhưng chưa thu được tiền)
Nợ TK 9112 – Các khoản chi phí (nếu doanh nghiệp chịu tổn thất)
Có TK 211 – TSCĐ (Giá trị còn lại).

– Nếu TSCĐ thiếu chưa rõ nguyên nhân:
+ Phản ánh giá trị TSCĐ thiếu:
Nợ TK 131- Các khoản nợ phải thu
Có TK 211- TSCĐ (giá trị còn lại)
+ Khi thu được tiền hoặc trừ vào lương của người phải bồi thường, ghi:
Nợ TK 111 – Tiền (nếu thu tiền)
Nợ TK 3311 – Phải trả người lao động (trừ vào lương của người lao động)
Có TK 131 – Các khoản nợ phải thu.

Xem thêm