Kinh nghiệm Phân loại chi phí trong kế toán quản trị

Phân loại chi phí trong kế toán quản trị

4738
cách tiêu tiền

Hàng ngày, các kế toán viên luôn phải đau đầu với rất nhiều loại chi phí khác nhau của doanh nghiệp, khiến cho công việc kế toán vốn đã phức tạp nay lại càng thêm rắc rối. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả quản trị, kế toán cũng như các nhà quản trị cần phải nắm rõ các loại chi phí này và cách hạch toán chúng.

I. Chi phí là gì?

Chi phí là một trong những yếu tố cơ bản nhất trong kế toán, là các hao phí về nguồn lực, đo lường được bằng tiền, để doanh nghiệp đạt dược một hoặc nhiều mục tiêu cụ thể. Tùy theo mục đích mà chi phí trong kế toán quản trị có thể được phân loại thành nhiều cách khác nhau.

chi phí trong kế toán quản trị

 

II. Cách phân loại chi phí

1. Phân loại chi phí theo đối tượng hạch toán chi phí

Dựa theo khả năng quy nạp chí phí cho từng đối tượng hạch toán chi phí, có thể phân loại chi phí thành chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp.

  • Chi phí trực tiếp là những chi phí có thể xác định và hạch toán cho từng đối tượng hạch toán chi phí một cách đơn giản và hiệu quả ngay từ khi phát sinh chi phí.
  • Chi phí gián tiếp, ngược lại, là những chi phí không thể xác định được hao phí cho từng đối tượng hạch toán chi phí một cách đơn giản và hiệu quả.

Để xác định được chi phí cho từng đối tượng hạch toán chi phí, trước hết kế toán phải tập hợp chi phí theo từng phân xưởng hoặc bộ phận. Sau đó phải phân bổ cho các đối tượng hạch toán chi phí dựa trên cơ sở phân bổ chi phí. Cách phân loại này giúp cho kế toán hiểu rõ vai trò của từng loại chi phí trong hoạt động của doanh nghiệp và phương pháp hạch toán chi phí cho các đối tượng hạch toán chi phí.

2. Phân loại chi phí theo quan hệ với quá trình sản xuất

Với cách phân loại này chi phí được chia thành 2 loại: chi phí sản xuất và chi phí ngoài sản xuất

  • Chi phí sản xuất gồm những chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp như: chi phí vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp và chi phí sản xuất chung. Các chi phí sản xuất này được tính vào giá thành sản phẩm sau khi quá trình sản xuất được hoàn thành.
  • Chi phí ngoài sản xuất là những chi phí phát sinh liên quan đến các hoạt động bán hàng và quản lý doanh nghiệp.

chi phí trong kế toán quản trị

3. Phân loại chi phí theo quan hệ với báo cáo tài chính

Dựa vào mối quan hệ của chi phí với các báo cáo tài chính, chi phí được chia thành chi phí sản phẩm và chi phí thời kỳ

  • Chi phí sản phẩm là những chi phí được tính vào giá thành sản phẩm. Các chi phí này phát sinh trong quá trình sản xuất của DN. Khi quá trình sản xuất hoàn thành, các chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất được tính vào giá thành sản phẩm hoàn thành và trở thành giá thành của sản phẩm nhập kho. Khi sản phẩm được bán, chi phí thành phẩm tồn kho được trở thành giá vốn hàng bán trên báo cáo kết quả kinh doanh.
  • Chi phí thời kỳ là những chí phí phát sinh ở kỳ nào thì được coi là chi phí hoạt động trên báo cáo kết quả kinh doanh của kỳ đó.

4. Phân loại chi phí theo mối quan hệ của chi phí với khối lượng hoạt động

Cách phân loại này chia chi phí thành chi phí biến đổi và chi phí cố định

  • Chi phí biến đổi là những chi phí mà tổng của nó thay đổi khi khối lượng hoạt động thay đổi.
  • Chi phí cố định là những chi phí mà tổng của nó không thay đổi khi khối lượng hoạt động thay đổi trong phạm vi phù hợp. Phạm vi phù hợp là phạm vi nằm trong giới hạn công suất của máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, nhà xưởng…

Trong thực tế, việc xác định các chi phí biến đổi và cố định không phải lúc nào cũng thực hiện được. Lý do là một số loại chi phí có thể bao gồm cả chi phí cố định lẫn chi phí biến đổi, ví dụ như chi phí điện. Tuy nhiên vẫn có phương pháp để phân tích riêng hai loại chi phí này. Đó là phương pháp cực đại – cực tiểu, phương pháp đồ thị phân tán và phương pháp bình phương bé nhất. Tùy theo mục đích sử dụng mà doanh nghiệp có thể chọn phương pháp phù hợp để tính toán một cách hợp lý nhất.

Chi phí là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến lợi nhuận, tài sản và sự phát triển của doanh nghiệp một cách trực tiếp nhất. Vì vậy, việc nắm rõ về bản chất và các loại chi phí sẽ giúp cho các nhà quản lý có thể kiểm soát dễ dàng và sử dụng chúng như một công cụ để phát triển hoạt động kinh doanh, từ đó nâng cao được vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

>> 5 Nguyên tắc giúp doanh nghiệp quản lý chi phí hiệu quả

>> Kinh phí công đoàn có bắt buộc hay không?