Quy định Kinh phí công đoàn có bắt buộc hay không?

Kinh phí công đoàn có bắt buộc hay không?

2496

Dù là người đang đi tìm việc, nhân viên hay chủ doanh nghiệp thì việc tìm hiểu về kinh phí công đoàn là cũng vô cùng cần thiết. Nắm rõ về kinh phí công đoàn sẽ giúp cho chúng ta hiểu được về ý nghĩa của loại kinh phí này cũng như những trách nhiệm và quyền lợi đi kèm với nó.

I. Kinh phí công đoàn là gì?

Kinh phí công đoàn (KPCĐ) là nguồn tài trợ cho tất cả các hoạt động công đoàn ở các cấp. Theo quy định nhà nước thì KPCĐ được chi trả toàn bộ bởi doanh nghiệp, được trích từ tổng số tiền lương mà doanh nghiệp trả cho người lao động.

Hàng tháng, doanh nghiệp phải đóng KPCĐ cùng thời điểm với việc đóng BHXH cho người lao động tại Liên đoàn lao động quận/huyện nơi doanh nghiệp đó đặt trụ sở.

II. Mức đóng và đối tượng đóng kinh phí công đoàn

1. Mức đóng kinh phí công đoàn

Theo Nghị định 191/2013/NĐ-CP quy định chi tiết về tài chính công đoàn thì mức đóng kinh phí bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động. Quỹ lương này bằng tổng số tiền lương của những đối tượng người lao động thuộc phạm vi đóng BHXH theo quy định của pháp luật.

kinh phí công đoàn

 

2. Đối tượng đóng kinh phí công đoàn

Theo Khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn thì tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp dù có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở, đều phải đóng KPCĐ. Cụ thể hơn, những đối tượng đó bao gồm:

  • Các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội và tổ chức xã hội – nghề nghiệp.
  • Các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.
  • Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư.
  • Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật hợp tác xã.
  • Bên cạnh các cơ quan tổ chức trong nước thì các cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn, văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam cũng phải tham gia đóng KPCĐ đầy đủ.
  • Ngoài ra thì bất kỳ tổ chức nào, một khi đã sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động thì cũng đều phải đóng KPCĐ.

III. Phân bổ kinh phí công đoàn như thế nào?

Cách KPCĐ được phân bổ có thể chia làm 2 trường hợp: đối với doanh nghiệp đã có và chưa có công đoàn cơ sở.

1. Đối với doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở

Với các doanh nghiệp thành lập được một thời gian khá lâu và có công đoàn cơ sở thì số kinh phí thu được từ việc trích ra 2% tổng quỹ lương của người lao động sẽ được chia ra làm 2 phần. Một phần với tỷ lệ là 31% phải được nộp lên công đoàn cấp trên quản lý hay còn gọi là Liên đoàn lao động. 69% còn lại sẽ do công đoàn cơ sở thuộc doanh nghiệp giữ.

2. Đối với các doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở

Những doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở do mới được thành lập chưa lâu thì KPCĐ thu được cũng sẽ chia làm 2 phần nhưng với một tỷ lệ khác. 65% KPCĐ nộp cho công đoàn cấp trên và 35% còn lại sẽ được nộp vào quỹ công đoàn của Nhà nước.

kinh phí công đoàn

IV. Mức phạt nếu không đóng kinh phí công đoàn và cách khắc phục

1. Mức phạt

Theo Nghị định 88/2015/NĐ-CP, có 2 mức phạt dành cho những trường hợp không đóng KPCĐ như sau:

Trường hợp 1: Phạt từ 12% – dưới 15% tổng số tiền KPCĐ phải đóng nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với doanh nghiệp có những hành vi:

  • Đóng KPCĐ chậm hơn thời hạn
  • Đóng KPCĐ không đúng mức quy định
  • Đóng KPCĐ cho số lượng người ít hơn quy định.

Trường hợp 2: Phạt từ 18% – 20% tổng số tiền KPCĐ phải đóng nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với doanh nghiệp không đóng KPCĐ cho toàn bộ người lao động thuộc doanh nghiệp đó.

2. Biện pháp khắc phục

Nghị định 88/2015/NĐ-CP cũng quy định chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày có quyết định xử phạt, doanh nghiệp phải nộp bổ sung cho tổ chức công đoàn số tiền KPCĐ chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải nộp số tiền lãi của số tiền KPCĐ chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.

Như vậy, sau khi tham khảo bài viết này, doanh nghiệp đã có cái nhìn rõ hơn về tầm quan trọng của việc đóng kinh phí công đoàn cũng như cách thức đóng và mức độ xử phạt khi xảy ra vi phạm.Từ đó, doanh nghiệp cần lưu ý đóng kinh phí công đoàn đầy đủ, đúng mức và đúng hạn để tránh được những sai phạm không đáng có.

>> Nghị định 191/2013/NĐ-CP về kinh phí công đoàn

>> Doanh nghiệp nên cắt giảm chi phí nào để quản trị hiệu quả?