Kinh nghiệm Hướng dẫn hình thức ghi sổ kế toán chứng từ ghi sổ

Hướng dẫn hình thức ghi sổ kế toán chứng từ ghi sổ

1749

Nếu bạn đang tìm một hình thức ghi sổ kế toán phù hợp, hiệu quả thì chúng tôi xin giới thiệu với bạn hình thức chứng từ ghi sổ. Đây là hình thức kế toán khá phổ biến, được nhiều doanh nghiệp áp dụng nhờ sự chính xác, tiện lợi, khoa học. Nếu bạn chưa biết áp dụng hình thức ghi sổ này thế nào thì hãy theo dõi bài viết dưới đây nhé.

1. Đặc điểm của hình thức kế toán chứng từ ghi sổ

– Chứng từ ghi sổ sẽ là căn cứ trực tiếp để ghi sổ kế toán tổng hợp. Việc ghi sổ kế toán bao gồm:

  • Ghi theo nội dung kinh tế trên Sổ Cái
  • Ghi theo trình tự thời gian trên Sổ Đăng ký Chứng từ ghi sổ.

– Dựa trên cơ sở từng chứng từ kế toán hoặc bảng Tổng hợp chứng từ kế toán cùng loại, có cùng nội dung kinh tế, kế toán sẽ lập thành chứng từ ghi sổ.

– Chứng từ ghi sổ sẽ được đánh số liên tục trong từng tháng hoặc theo năm (theo số thứ tự trong sổ Đăng ký Chứng từ ghi sổ). Đồng thời phải có chứng từ kế toán đính kèm và phải được kế toán trưởng duyệt trước khi ghi vào sổ kế toán.

đặc điểm hình thức chứng từ ghi sổ

– Các loại sổ kế toán cần thiết cho hình thức kế toán chứng từ ghi sổ:

  • Chứng từ ghi sổ
  • Sổ Đăng ký Chứng từ ghi sổ
  • Sổ Cái
  • Các Sổ, Thẻ kế toán chi tiết

2. Trình tự ghi sổ kế toán theo hình thức chứng từ ghi sổ

– Ghi sổ theo ngày hoặc định kỳ:

  • Kế toán lập chứng từ ghi sổ bằng cách căn cứ vào chứng từ kế toán hoặc bảng tổng hợp chứng từ kế toán cùng loại đã thông qua kiểm tra, được cho dùng làm căn cứ.
  • Căn cứ vào Chứng từ ghi sổ để ghi vào sổ Đăng ký Chứng từ ghi sổ, sau đó được dùng để ghi vào Sổ Cái.
  • Các chứng từ kế toán sau khi làm căn cứ lập Chứng từ ghi sổ được dùng để ghi vào Sổ, Thẻ kế toán chi tiết có liên quan.
– Hàng tháng:
  • Hàng tháng kế toán cần khoá sổ tính ra tổng số tiền của các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh trong tháng trên sổ Đăng ký Chứng từ ghi sổ, tính ra tổng số phát sinh nợ, tổng số phát sinh có và số dư của từng tài khoản trên sổ cái. => Sau đó lập bảng Cân đối tài khoản dựa trên sổ cái.
  • Số liệu ghi trên sổ cái và bảng tổng hợp chi tiết sau khi thông qua kiểm tra, đối chiếu sẽ được dùng để lập báo cáo tài chính.
  • Tổng số phát sinh nợ, Tổng số phát sinh có trên Bảng cân đối số phát sinh,Tổng số tiền phát sinh trên sổ Đăng ký Chứng từ ghi sổ phải bằng nhau.
  • Tổng số dư Nợ và Tổng số dư Có của các tài khoản trên Bảng Cân đối số phát sinh tài khoản phải bằng nhau, và số dư của từng tài khoản trên Bảng Cân đối số phát sinh phải bằng số dư của từng tài khoản tương ứng trên Bảng tổng hợp chi tiết.

các bước ghi sổ kế toán

– Sơ đồ thể hiện hình thức kế toán Chứng từ ghi sổ:

chứng từ ghi sổ

3. Nội dung, kết cấu và phương pháp ghi sổ Đăng ký chứng từ kế toán

– Nội dung:

  • Sổ Đăng ký chứng từ ghi sổ hay còn gọi là Nhật ký là sổ kế toán tổng hợp dùng để ghi chép các nghiệp vụ kinh tế phát sinh theo trình tự thời gian.
  • Sổ được dùng để đăng ký các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, quản lý chứng từ ghi sổ, vừa để kiểm tra, đối chiếu số liệu với Bảng Cân đối số phát sinh tài khoản.

– Kết cấu và phương pháp ghi sổ:

  • Cột A: Ghi số hiệu của Chứng từ ghi sổ.
  • Cột B: Ghi ngày, tháng lập Chứng từ ghi sổ.
  • Cột 1: Ghi số tiền của Chứng từ ghi sổ.
  • Cuối trang sổ phải cộng số luỹ kế để chuyển sang trang sau.
  • Đầu trang sổ phải ghi số cộng trang trước chuyển sang.
  • Cuối tháng, cuối năm, kế toán cộng tổng số tiền phát sinh trên Sổ Đăng ký chứng từ ghi sổ, lấy số liệu đối chiếu với Bảng Cân đối số phát sinh tài khoản.

Hình thức kế toán chứng từ ghi sổ khá phổ biến nhờ ưu điểm dễ làm, dễ kiểm tra, công việc kế toán được phân bổ đều theo kỳ. Ngoài ra phương pháp khá phù hợp với nhiều loại hình kinh doanh, quy mô doanh nghiệp. Nếu bạn còn những băn khoăn thì hãy để lại lời nhắn cho chúng tôi. Chúc bạn thành công!

Xem thêm:

Kế toán cần biết phương pháp sửa sổ kế toán đúng quy định

Nằm vùng 5 kỹ năng để trở thành kế toán chuyên nghiệp

Tổng hợp kiến thức về công việc kế toán nội bộ