Kinh nghiệm Hóa đơn đỏ là gì? Vì sao gọi là hóa đơn đỏ?

Hóa đơn đỏ là gì? Vì sao gọi là hóa đơn đỏ?

1924

Hóa đơn đỏ (hóa đơn GTGT) là loại hóa đơn thường được sử dụng trong các giao dịch mua bán hàng ngày. Tuy nhiên, rất ít người thực sự hiểu được rõ về hóa đơn đỏ và ý nghĩa của nó.

Hóa đơn đỏ là gì?

Hãy hiểu một cách đơn giản thì hóa đơn đỏ là một chứng từ chứng minh cho việc giao dịch mua bán hàng hóa của đôi bên. Từ đó, có thể xác định số thuế phải nộp vào ngân sách.

Hóa đơn đỏ là một loại chứng từ thể hiện các giá trị hàng bán hoặc các dịch vụ cung cấp của người bán tới người mua.

Nội dung trên hóa đơn đỏ cần phải có thông tin người bán, người mua (tên doanh nghiệp, mã số thuế, địa chỉ) và giá trị hàng bán, dịch vụ đã bao gồm cả thuế giá trị gia tăng được khấu trừ.

Vì sao gọi là hóa đơn đỏ?

Cái tên “hóa đơn đỏ” xuất phát từ màu sắc của loại hóa đơn này (thường là đỏ hoặc hồng).

Khi nói về hóa đơn đỏ, người ta sẽ ngầm hiểu đó là hóa đơn giá trị gia tăng (hóa đơn VAT) liên 2 giao cho khách cầm về khẳng định là đã mua hàng.

Tuy nhiên, hóa đơn đỏ chưa chắc đã là hóa đơn có VAT, có những trường hợp là hóa đơn bán hàng trực tiếp.

Khi nào xuất hóa đơn đỏ?

Theo quy định trong Thông tư 39/2014/TT-BTC thì bên bán phải xuất hóa đơn khi bán hàng hóa và dịch vụ (tính cả các hàng hóa, dịch vụ khuyến mại, quảng cáo, mẫu, hàng để biếu tặng, trả thay lương hay trao đổi, tiêu dùng nội bộ…), xuất hàng dưới các hình thức cho vay, mượn hoặc hoàn trả.

Nếu hàng hóa bán dưới 200.000 đồng sẽ không phải xuất hóa đơn. Và trên 200.000 đồng thì người mua sẽ phải trả thêm 10% giá trị hàng hóa (thuế VAT) để người bán thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế.

Khi một doanh nghiệp có phát sinh giao dịch bán hàng cần phải đặt in hóa đơn đỏ theo quy định của Nhà nước.

Lưu ý khi xuất hóa đơn đỏ

Khi xuất hóa đơn đỏ cần lưu ý:

– Người viết phải kẹp 3 liên viết cùng lúc, nội dung trên các liên phải đồng nhất, không được viết tách riêng từng liên.

– Điền đầy đủ thông tin về người mua hàng một cách chính xác.

– Nội dung thể hiện trên hóa đơn không được tẩy sửa, xóa và cùng một loại mực.

– Nội dung viết liên tục, không ngắt quãng, không viết đè chữ lên nhau và gạch chéo phần còn trống.

– Số hóa đơn lập phải liên tục, từ số nhỏ tới lớn.

– Ngày/tháng/năm ghi trên trên hóa đơn vào thời điểm phát sinh giao dịch hoặc ngay sau khi hoàn thành việc cung cấp dịch vụ, hàng hóa cho bên mua.

– Hình thức thanh toán có thể là chuyển khoản hoặc bằng tiền mặt.

Ai chịu trách nhiệm in hóa đơn đỏ?

Việc đặt in hóa đơn sẽ do Chi cục thuế quản lý, sau khi được cho phép, doanh nghiệp sẽ liên hệ các cơ sở đặt in đã được cấp phép hoạt động bởi Sở Kế hoạch và đầu tư bởi hiện nay, tình trạng làm giả hóa đơn là vô cùng nhiều.

Thông tin của bên bán sẽ được thể hiện rõ trên hóa đơn đỏ, bao gồm: Tên doanh nghiệp, logo, địa chỉ, mã số thuế, số tài khoản, số điện thoại và số fax…

Trong trường hợp hóa đơn đỏ là hóa đơn GTGT thì sẽ được lập thành 3 liên (trắng, đỏ, xanh).