Kinh nghiệm Cách xử lý chi phí mua phần mềm của các công ty...

Cách xử lý chi phí mua phần mềm của các công ty nước ngoài

997
xử lý chi phí mua phần mềm

Là kế toán mới ra trường, bạn thường gặp phải khó khăn đối với các nghiệp vụ kinh tế phức tạp nếu chưa có nhiều kinh nghiệm và chưa nắm rõ những quy định của pháp luật hiện hành về thuế. Một trong số đó là xử lý chi phí mua phần mềm của các công ty nước ngoài. Để xử lý nghiệp vụ này thì cần nắm những quy định gì? Bài viết này Ketoan.vn sẽ giúp bạn cập nhật các quy định để xử lý nghiệp vụ này.

xử lý chi phí mua phần mềm

1. Quy định về thuế GTGT đối với mua phần mềm nước ngoài

Quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT theo khoản 21 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC:

“21. Chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Trường hợp hợp đồng chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ có kèm theo chuyển giao máy móc, thiết bị thì đối tượng không chịu thuế GTGT tính trên phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng; trường hợp không tách riêng được thì thuế GTGT được tính trên cả phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng cùng với máy móc, thiết bị.

Phần mềm máy tính bao gồm sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật”.

Theo khoản 10, Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC, điều kiện để khấu trừ thuế GTGT đầu vào đó là:

“2. Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên, trừ các trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng, hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới hai mươi triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT và trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu hàng hóa là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt gồm chứng từ thanh toán qua ngân hàng và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt khác hướng dẫn tại khoản 3 và khoản 4 Điều này”.

Như vậy, theo quy định hiện hành:

  • Phần mềm và các dịch vụ phần mềm (bản quyền)… là đối tượng không chịu thuế GTGT
  • Doanh nghiệp không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hóa đơn mua phần mềm của các công ty nước ngoài.

2. Quy định về Thuế TNDN đối với chi phí mua phần mềm nước ngoài

Theo Điều 6, Thông tư số 96/2015/TT-BTC quy định:

“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế 

1.Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt”.

Như vậy, để chi phí mua phần mềm nước ngoài được tính là chi phí hợp lý, kế toán cần thu thập các hồ sơ, chứng từ sau:

  • Hợp đồng mua bán
  • Hóa đơn ghi rõ tên, địa chỉ, mã số thuế của công ty
  • Chứng từ thanh toán (Nếu hóa đơn từ 20 triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt)

Lưu ý: Nếu mua phần mềm nước ngoài qua mạng nhưng thanh toán bằng thẻ cá nhân của nhân viên thì chi phí này sẽ không được tính là chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN.

3. Quy định về thuế Nhà thầu đối với chi phí mua phần mềm nước ngoài

Khi mua phần mềm nước ngoài (mua trên website nước ngoài), doanh nghiệp Việt nam sẽ phải nộp thuế Nhà thầu: thuế GTGT và thuế TNDN

  • Về thuế GTGT: do phần mềm và các dịch vụ phần mềm (bản quyền…) là không chịu thuế GTGT => không cần nộp thuế GTGT
  • Về thuế TNDN:

– Thu nhập bán bản quyền: Thuế suất 10%

Thuế TNDN phải nộp (=) Doanh thu tính thuế (x) tỷ lệ phần trăm thuế TNDN trên doanh thu

Căn cứ vào các quy định hiện hành, trường hợp Công ty trình bày ký hợp đồng mua sản phẩm phần mềm qua Internet của tổ chức nước ngoài (kèm theo dịch vụ bảo trì phần mềm) khi thanh toán tiền cho tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp có trách nhiệm tính khấu trừ, kê khai và nộp thuế nhà thầu.

Theo quy định, nếu thỏa thuận tại Hợp đồng nhà thầu, số tiền thanh toán cho nhà thầu đã bao gồm thuế nhà thầu thì tiền thuế TNDN nhà thầu công ty nộp thay không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Xem thêm bài viết tại

Làm sao để biết khi nào nên dùng phần mềm kế toán online?

Phần mềm kế toán tốt nhất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2019

Thuế nhà thầu là gì? Cách tính thuế nhà thầu mới nhất hiện nay