Tin Tức 2 Vốn lưu động và quản lý vốn lưu động trong doanh nghiệp...

Vốn lưu động và quản lý vốn lưu động trong doanh nghiệp hiệu quả

637
Hình 1: Vốn lưu động và quản lý vốn lưu động trong doanh nghiệp hiệu quả

Vốn lưu động là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo quá trình kinh doanh của doanh nghiệp được vận hành liên tục và thường xuyên. Hiểu về vốn lưu động là một trong những chìa khóa quan trọng giúp nhà quản trị nắm rõ và điều hành được những hoạt động của doanh nghiệp.

Hình 1: Vốn lưu động và quản lý vốn lưu động trong doanh nghiệp hiệu quả

1. Vốn lưu động là gì?

1.1 Khái niệm:

Vốn lưu động (Working capital – WC) là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ tài sản lưu động trong doanh nghiệp, là những tài sản ngắn hạn, thường xuyên luân chuyển trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 

Như vậy, vốn lưu động của doanh nghiệp có thể hiểu là số tiền tệ ứng trước để đầu tư mua sắm tài sản ngắn hạn (là nguồn hình thành tài sản ngắn hạn) nhằm đảm bảo cho quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được hoạt động thường xuyên, liên tục.

1.2 Phân loại vốn lưu động:

Để có thể huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn lưu động, cần nhận diện và phân loại vốn lưu động theo các tiêu thức sau:

Phân loại vốn lưu động theo vai trò trong quá trình sản xuất: 

Hình 2: Phân loại vốn lưu động theo vai trò trong quá trình sản xuất
  • Vốn lưu động trong khâu dự trữ sản xuất, bao gồm: giá trị các khoản nguyên vật liệu (chính, phụ), nhiên liệu, công cụ dụng cụ, phụ tùng thay thế. 
  • Vốn lưu động trong khâu sản xuất, bao gồm: giá trị của sản phẩm dở dang, bán thành phẩm hay các khoản chi phí đang chờ kết chuyển. 
  • Vốn lưu động trong khâu lưu thông, bao gồm: vốn bằng tiền, giá trị của hàng hóa, thành phẩm, các khoản phải thu khách hàng, vốn đầu tư ngắn hạn, các khoản cầm cố, thế chấp…

Phân loại vốn lưu động theo hình thái biểu hiện :

Hình 3: Phân loại vốn lưu động theo hình thái biểu hiện
  • Vốn vật tư, hàng hóa: là những vốn lưu động có hình thái biểu hiện, là hiện vật cụ thể như nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, sản phẩm dở dang, thành phẩm, hàng hóa… 
  • Vốn bằng tiền : là các khoản vốn tiền tệ như tiền mặt tại quỹ, tiền gửi ngân hàng…

2. Vai trò của vốn lưu động

Hình 4: Những vai trò chính yếu của vốn lưu động

Vốn lưu động là điều kiện đầu tiên, điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Bởi vì, để sản xuất ra sản phẩm ngoài các tài sản cố định như nhà xưởng, máy móc, thiết bị… các doanh nghiệp cần bỏ ra một số tiền để mua sắm hàng hóa, nguyên vật liệu, trả lương nhân công… nhằm phục vụ sản xuất. 

Vốn lưu động đảm bảo cho quá trình tái sản xuất của doanh nghiệp được tiến hành thường xuyên, liên tục và giúp doanh nghiệp nắm bắt được thời cơ kinh doanh, tạo ra thế mạnh cạnh tranh.

Vốn lưu động còn là công cụ phản ánh đánh giá quá trình mua sắm, dự trữ, sản xuất, tiêu thụ của doanh nghiệp, từ đó tác động đến giá thành của sản phẩm.

Vốn lưu động ảnh hưởng đến quy mô của hoạt động của doanh nghiệp: Khi quy mô sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mở rộng thì nhu cầu về vốn lưu động của doanh nghiệp sẽ có xu hướng tăng lên và ngược lại. 

3. Đặc điểm của vốn lưu động

 Vốn lưu động trong doanh nghiệp có những đặc điểm cơ bản sau:

  • Vốn lưu động luôn thay đổi hình thái biểu hiện khi nó đi từ khâu này đến khâu khác của quá trình sản xuất, kinh doanh.
  • Vốn lưu động chuyển dịch giá trị một lần vào quá trình sản xuất, kinh doanh và hoàn thành 1 vòng luân chuyển khi kết thúc chu kỳ sản xuất, kinh doanh.
  • Khi đó, vốn lưu động hoàn thành một vòng tuần hoàn sau mỗi chu kỳ kinh doanh.
Hình 5: Quá trình vận động của vốn lưu động. Nguồn: Internet

Chu kỳ vận động của vốn lưu động là cơ sở đánh giá khả năng thanh toán, hiệu quả sản xuất kinh doanh,  hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh và năng lực quản lý tài sản cũng như tiền vốn của doanh nghiệp. Do vậy, nghiên cứu vốn lưu động có vai trò quan trọng đối với các nhà quản trị doanh nghiệp cũng như các đối tượng có nhu cầu phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp như nhà cung cấp, nhà đầu tư, chủ nợ… 

4. Công thức xác định vốn lưu động

Hình 6: Vốn lưu động được tính bằng Tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp

Công thức xác định: Vốn lưu động = Tài sản ngắn hạn (1)

Trong đó:

Tài sản ngắn hạn (TSNH): là các tài sản thường xuyên luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.  Tài sản ngắn hạn phản ánh tổng giá trị tiền, các khoản tương đương tiền và các tài sản ngắn hạn khác có thể chuyển đổi thành tiền, có thể bán hay sử dụng trong vòng không quá 12 tháng hoặc một chu kỳ kinh doanh bình thường của doanh nghiệp tại một thời điểm, gồm: Tiền, các khoản tương đương tiền, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, các khoản phải thu ngắn hạn, hàng tồn kho và tài sản ngắn hạn khác.

Tài sản ngắn hạn được trình bày trong bảng cân đối kế toán như sau:

TSNH

= Tiền và các khoản tương đương tiền + Các khoản đầu tư ngắn hạn + TSNH hạn khác + Hàng tồn kho +

TSNH hạn khác

Ngoài ra, chúng ta có công thức xác định vốn lưu động ròng (vốn lưu động thường xuyên – VLĐTX) như sau:

Vốn lưu động ròng = Vốn lưu động – Nợ ngắn hạn 

Vốn lưu động ròng = Tài sản ngắn hạn – Nợ ngắn hạn

Căn cứ vào việc xác định vốn lưu động ròng sẽ xác định được tình trạng của doanh nghiệp  tại thời điểm đánh giá. Thông thường, sẽ xảy ra 2 tình trạng sau:

Hình 7: Hai trường hợp hay gặp của Vốn lưu động ròng (VLĐTX)

– Vốn lưu động ròng có giá trị dương (>=0):

Điều này chứng tỏ tài sản ngắn hạn đang lớn hơn (hoặc bằng) các khoản nợ ngắn hạn. Nhờ vậy doanh nghiệp có thể dễ dàng chuyển đổi tài sản ngắn hạn thành tiền mặt để trả các khoản nợ tới hạn, giúp các hoạt động sản xuất diễn ra bình thường. Rủi ro thanh toán trong trường hợp này thấp. 

– Vốn lưu động ròng có giá trị âm (<0):

Điều này chứng tỏ giá trị tài sản ngắn hạn đang  thấp hơn các khoản nợ ngắn hạn. Cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp gặp khó khăn khi trả nợ, không trả nợ đúng hạn, có khả năng phá sản… Bên cạnh đó, rủi to thanh toán cao ảnh hưởng tới khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp. 

Tương tự, có thể đánh giá rủi ro thanh toán hay mối quan hệ giữa vốn lưu động với nợ ngắn hạn qua việc xác định tỷ lệ vốn lưu động ròng theo công thức sau:

Tỷ lệ vốn lưu động ròng

= Tài sản ngắn hạn

Nợ ngắn hạn

Tỷ lệ này cho biết liệu một công ty có đủ tài sản ngắn hạn để trang trải cho các khoản nợ ngắn hạn của mình hay không hoặc có đang sử dụng hiệu quả nguồn vốn lưu động hay không.

    • Tỷ lệ vốn lưu động ròng thường phải đảm bảo lớn hơn 1,0; nhiều ngành con số này dao động trong khoảng 1,2 đến 2,0  được cho là hoạt động bình thường. 
    • Tỷ lệ này dưới 1,0 thường cho thấy rằng vốn hoạt động tiêu cực, tiềm ẩn các vấn đề về thanh khoản. 
  • Tỷ lệ vốn lưu động ròng > 2,0 có thể do công ty không sử dụng hết tài sản, dẫn đến dư thừa, ứ đọng vốn, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Có thể do vốn bằng tiền, hàng tồn kho đang nắm giữ cao, vốn bị chiếm dụng lớn (khoản phải thu khách hàng, phải thu ngắn hạn lớn)…, do vậy, dù doanh nghiệp có thanh khoản cao nhưng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng sinh lời. 

Từ những phân tích trên cho thấy, doanh nghiệp cần xác định hợp lý nhu cầu vốn lưu động cần sử dụng trong một chu kỳ sản xuất kinh doanh, đảm bảohoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được  diễn ra thường xuyên, liên tục, tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, doanh nghiệp cần hoạch định những giải pháp quản trị vốn lưu động sao cho cân bằng giữa khả năng sinh lời và tính thanh khoản trong kinh doanh.  

5. Ví dụ về  phương pháp xác định vốn lưu động và vốn lưu động ròng trên báo cáo tài chính

BÁO CÁO TÀI CHÍNH NĂM 2021 RÚT GỌN CỦA 2 CÔNG TY NHƯ SAU:

TÀI SẢN


số
TM Công ty CP sách và TB Bình Thuận  

Công ty CP Đầu Tư và Thương mại  ADD 

1

2 3 4

5

A – TÀI SẢN NGẮN HẠN
(100 = 110 + 120 + 130 + 140 + 150)
100  

20,061,605,935 

8,995,414,549 
I. Tiền và các khoản tương đương tiền 110   4,351,087,513  127,399,521 
II. Đầu tư tài chính ngắn hạn  120   2,000,000,000   
III. Các khoản phải thu ngắn hạn  130   6,199,071,486  4,452,552,192 
IV. Hàng tồn kho 140   7,511,446,936  4,399,410,941 
V. Tài sản ngắn hạn khác  150   16,051,895 
B – TÀI SẢN DÀI HẠN (200 = 210 + 220 + 230 + 240 + 250 + 260) 200   1,086,873,383  3,289,723,861 
I. Các khoản phải thu dài hạn  210   17,500,002 
II. Tài sản cố định  220   513,004,583  2,629,887,859 
III. Bất động sản đầu tư 230  
IV. Tài sản dở dang dài hạn  240  
V. Đầu tư tài chính dài hạn 250   573,868,800  642,336,000 
VI. Tài sản dài hạn khác  260  
TỔNG CỘNG TÀI SẢN (270 = 100 + 200) 270   21,148,479,318  12,285,138,410 
C – NỢ PHẢI TRẢ (300 = 310 + 330) 300   6,803,691,639  9,745,913,497 
I. Nợ ngắn hạn  310   6,803,691,639  9,745,913,497 
II. Nợ dài hạn 330  
D – VỐN CHỦ SỞ HỮU (400 = 410 + 430) 400   14,344,787,679  2,539,224,913 
I. Vốn chủ sở hữu  410   14,344,787,679  2,539,224,913 
1. Vốn góp của chủ sở hữu 411   11,000,000,000  2,000,000,000 
11. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối  421   1,453,254,505  539,224,913 
II. Nguồn kinh phí và quỹ khác 430  
TỔNG CỘNG NGUỒN VỐN (440 = 300 + 400) 440   21,148,479,318  12,285,138,410 

* Với  Công ty CP sách và Thiết Bị Bình Thuận: 

  • Vốn lưu động của công ty: 20.061.605.935 VNĐ
  • Vốn lưu động ròng = Tài sản ngắn hạn – Nợ ngắn hạn 

       = 20.061.605.935 – 6.803.691.639 

       = 13.257.914.296VNĐ

Vốn lưu động ròng dương do đó trong ngắn hạn tài sản ngắn hạn của công ty đủ đảm bảo thanh toán các khoản nợ ngắn hạn. Công ty có thể chuyển đổi: hàng tồn kho; khoản phải thu khách hàng ngắn hạn,… thành tiền mặt để trả các khoản nợ tới hạn. Giúp các hoạt động sản xuất diễn ra bình thường. 

  • Tỷ lệ vốn lưu động ròng = Tài sản ngắn hạn : Nợ ngắn hạn 

                         = 20.061.605.935 : 6.803.691.639 = 2.95

Tỷ lệ vốn lưu động ròng > 2 cho thấy công ty chưa sử dụng hiệu quả nguồn vốn dư thừa để tạo ra được doanh thu tối đa: 

+ Chỉ tiêu tiền và tương đương tiền của công ty lớn: do đó, công ty nên có phương án sử dụng quỹ tiền mặt hiệu quả hơn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiêp, ví dụ: cân nhắc đầu tư ngắn hạn, thanh toán công nợ, tạm ứng trước tiền hàng cho nhà cung cấp… .   

+ Công nợ phải thu: Công ty cần   kiểm tra, rà soát lại chính sách thu hồi công nợ đến hạn, hạn chế tình trạng bị chiếm dụng vốn. 

+ Hàng tồn kho: Công ty cần kiểm tra tính toán lại chỉ tiêu: Vòng quay hàng tồn kho để xác định lượng hàng tồn kho cần dự trữ cho hợp lý, tránh lãng phí. Ngoài ra, cần rà soát chính sách bán hàng để giải phóng lượng thành phẩm, hàng hóa tồn kho. 

* Với công ty CP Đầu tư và Thương mại ADD cho thấy:

– Vốn lưu động của công ty thời điểm 31/12/2021: 8.995.414.549 VNĐ

– Vốn lưu động ròng = 8.995.414.549 – 9.745.913.497 = -750.498.948 VNĐ

– Tỷ lệ vốn lưu động ròng = 8.995.414.549 : 9.745.913.497 <1

Vốn lưu động ròng <0: Công ty đang gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn: Tổng giá trị các khoản Tiền + Hàng tồn kho + nợ phải thu của công ty không đủ để thanh toán các khoản nợ đến hạn. 

Công ty CP Đầu tư và Thương mại ADD cần thực hiện một số giải pháp sau:

+ Nhanh chóng có những biện pháp thúc đẩy việc bán hàng để giải phóng hàng tồn kho thu về doanh thu. 

+ Có các biện pháp để nhanh chóng thu hồi các khoản phải thu đến hạn nhằm cân đối thanh toán các khoản nợ đến hạn, ví dụ: thực hiện chiết khấu thanh toán, thu hẹp thời hạn thanh toán với khách hàng.  

+ Nếu các giải pháp tức thời kém hiệu quả, công ty cần xây dựng phương án bổ sung vốn đưa vào quá trình sản xuất kinh doanh: Vay vốn dài hạn; bổ sung nguồn vốn kinh doanh bằng cách tăng vốn điều lệ.

6. Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng vốn lưu động

Để đánh giá trình độ tổ chức và sử dụng vốn lưu động, doanh nghiệp cần tính toán và theo dõi những chỉ tiêu về hiệu suất sử dụng vốn lưu động sau: 

6.1 Vòng quay vốn lưu động

Vòng quay vốn lưu động (VQVLĐ) số ngày hoàn thành chu kì kinh doanh của một doanh nghiệp. Chỉ số này đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả trong kinh doanh. 

Vòng quay vốn lưu động càng lớn chứng tỏ công ty đang luân chuyển vốn tốt, phản ánh tình hình kinh doanh thuận lợi, khả năng thu hồi vốn tốt và nhanh, hàng tồn kho sẽ giảm. Chu kỳ kinh doanh được rút ngắn, doanh nghiệp tăng cường quay vòng vốn đẩy mạnh kinh doanh, nâng cao khả năng sinh lời. Từ đó doanh nghiệp cần đẩy mạnh phát triển kinh doanh theo chiều hướng hiện thời. 

Vòng quay vốn lưu động thấp có nghĩa là công ty đang gặp vấn đề trong khâu kinh doanh, hoạt động kinh doanh trì trệ, khả năng thu hồi vốn chậm, lượng hàng tồn kho lớn dẫn đến tồn đọng vốn lớn.  

Công thức tính vòng quay vốn lưu động

VQVLD

= Doanh Thu Thuần

Vốn lưu động bình quân

Trong đó:

Vốn lưu động bình quân

= (Vốn lưu động tháng 1 + tháng 2…tháng 12)

12

Hoặc: 

Vốn lưu động bình quân

= (Vốn lưu động thời điểm đầu kỳ + Vốn lưu động thời điểm cuối kỳ)

2

(Công thức thứ hai phổ biến hơn khi sử dụng thông tin từ Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp để xác định vốn lưu động bình quân).

6.2 Tốc độ luân chuyển của vốn lưu động

Chỉ tiêu Vòng quay vốn lưu động có thể được phân tích dưới dạng chỉ tiêu tốc độ luân chuyển vốn lưu động. 

 Tốc độ luân chuyển vốn lưu động nhanh hay chậm biểu hiện hiệu suất sử dụng vốn cao hay thấp. Chỉ tiêu cho thấy việc sử dụng vốn có hợp lý hay không: Tốc độ luân chuyển vốn lưu động càng nhanh thì hiệu suất sử dụng vốn lưu động càng cao và ngược lại

Tốc độ luân chuyển vốn được biểu hiện bằng 2 yếu tố:

  • Số lần luân chuyển (số vòng quay) của vốn lưu động:

L

= Tổng mức luân chuyển của vốn lưu động

Vốn lưu động bình quân sử dụng trong kỳ

– Kỳ luân chuyển của vốn lưu động: Chỉ tiêu này phản ánh số ngày bình quân cần thiết để vốn lưu động thực hiện được một lần luân chuyển hay độ dài thời gian một vòng quay của vốn lưu động ở trong kỳ. Có nghĩa là, kỳ luân chuyển vốn lưu động mô tả số ngày bình quân cần thiết để doanh nghiệp chuyển vốn lưu động thành doanh thu. 

K = Số ngày trong kỳ
L

Trong đó, số ngày trong kỳ được tính chẵn 1 năm là 360 ngày, 1 quý là 90 ngày, 1 tháng là 30 ngày.

6.3 Hàm lượng vốn lưu động

Chỉ tiêu này phản ánh để có một đồng doanh thu thuần về bán hàng cần bao nhiêu vốn lưu động. Chỉ tiêu này càng nhỏ thì hiệu quả sử dụng vốn lưu động càng cao và ngược lại. 

Hàm lượng vốn lưu động

= Vốn lưu động bình quân trong kỳ

Doanh thu thuần bán hàng trong kỳ

Tóm lại: Việc nghiên cứu các chỉ tiêu trên giúp doanh nghiệp nâng cao được hiệu suất sử dụng vốn. Nếu doanh nghiệp phấn đấu rút ngắn kỳ luân chuyển vốn (K càng nhỏ) bằng việc tiết kiệm số vốn lưu động hợp lý, nâng cao tổng mức luân chuyển vốn thì sẽ tăng số vòng quay vốn lưu động (L tăng). Từ đó, góp phần tăng lợi nhuận, tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.                            

7. Quản lý vốn lưu động trong doanh nghiệp

Quản lý vốn lưu động là những công việc liên quan tới quản lý hàng tồn kho, các khoản phải thu và phải trả, và vốn bằng tiền trong doanh nghiệp.

Hình 8: Quản lý vốn lưu động trong doanh nghiệp

Các quyết định liên quan đến vốn lưu động và tài chính ngắn hạn được gọi là quản lý vốn lưu động. Điều này liên quan đến việc quản lý các mối quan hệ giữa tài sản ngắn hạn   và nợ ngắn hạn của một doanh nghiệp.

Mục tiêu của quản lý vốn lưu động là để đảm bảo   doanh nghiệp có thể  duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và có dòng tiền đủ để  chi trả các khoản nợ tới hạn thanh toán và các chi phí hoạt động trong một thời kỳ nhất định.

7.1 Quản lý hàng hóa tồn kho

Hàng hóa nói riêng và hàng tồn kho nói chung là yếu tố rất quan trọng trong kinh doanh. Vì thế, doanh nghiệp không những cần phải nắm được số lượng hàng hóa được sản xuất, bán được bao nhiêu mà còn phải biết được hàng hóa tồn kho hiện tại trong tháng là bao nhiêu.  Các thông tin về quản trị hàng tồn kho phục vụ quá trình ra quyết định về đường hướng kinh doanh, chính sách bán hàng, mua sắm, dự trữ vật tư, qua đó, nâng cao năng lực quản trị vốn lưu động. 

Quản lý tồn kho còn tránh được tình trạng sản xuất tràn lan, dư thừa một mặt hàng nào đó khi   doanh thu bán mã hàng đó chưa tốt, giúp giảm thiểu chi phí hàng tồn kho và chọn ra phương hướng kinh doanh tốt hơn trong tương lai.

7.2 Quản lý tiền mặt

 Nắm bắt được thông tin và quản lý dòng tiền trong doanh nghiệp cũng rất quan trọng trong điều hành kinh doanh. Nhà quản lí cần phải biết số lượng tiền mặt hiện có là bao nhiêu, để có thể quản lý chi phí bằng tiền trong kỳ một cách hiệu quả như chi phí bán hàng, chi phí dịch vụ mua ngoài…. Mặt khác, quản trị dòng tiền tốt sẽ tác động tích cực đến các khâu kinh doanh khác, ví dụ khâu cung ứng vật tư, khâu tiêu thụ sản phẩm, dòng tiền phục vụ đầu tư, mua sắm tài sản cố định…  

Quản lý tiền mặt cần được thực hiện từ khâu lập dự toán dòng tiền, giám sát quy trình và tình hình thu/chi thực tế. Trên cơ sở đó, thông tin về dòng tiền được phản ánh kịp thời, tình hình lưu chuyển tiền thuần đạt thặng dư hay thâm hụt là cơ sở để nhà quản trị xây dựng phương án đối phó trong từng tình huống cụ thể, đảm bảo hệ số an toàn về thanh toán và sử dụng vốn lưu động của doanh nghiệp. 

7.3 Quản lý nợ phải thu

Quản lý nợ phải thu là một công đoạn trong nhiệm vụ quản trị tốt vòng quay vốn lưu động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần nắm bắt và cập nhật thường xuyên thông tin về khoản nợ phải thu hiện có từ các đối tác hoặc khách hàng để có hướng xử lý kịp thời. Một vài chính sách quản lý nợ phải thu như: đánh giá khách hàng (tình hình tài chính, khả năng thanh toán, kỷ luật thanh toán…) qua đó lập các nhóm khách hàng để áp dụng chính sách bán chịu, thu hồi nợ phù hợp; giảm lượng hàng bán cho mỗi đơn hàng với các khách hàng hay thanh toán chậm; cân nhắc triển khai chiết khấu thanh toán. 

Quản lý và sử dụng vốn lưu động tốt giúp doanh nghiệp tạo ra lợi thế lớn đối với doanh nghiệp cùng ngành và là yếu tố tiên quyết giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định và có cơ sở để phát triển trong dài hạn. Chủ doanh nghiệp và người làm công tác kế toán cần nắm rõ về khái niệm, phương pháp xác định vốn lưu động, và các hệ số về hiệu quả sử dụng vốn lưu động; từ đó đánh giá lại cơ cấu vốn lưu động và đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động tại doanh nghiệp.

Tác giả: Viết Thị Thu Hiền