Nghiệp Vụ old Cách hạch toán hàng mua bán trả góp, trả chậm

Cách hạch toán hàng mua bán trả góp, trả chậm

1769
kinh nghiệm làm kế toán

Trong kế toán bán hàng, kế toán viên thường sẽ gặp những trường hợp mua bán hàng hóa bằng hình thức trả góp, trả chậm. Thế nhưng để thực hiện hạch toán như thế nào cho đúng thì không phải ai cũng nắm rõ. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp phương pháp hạch toán hàng mua bán trả góp, trả chậm và những thông tin liên hữu ích quan đến nghiệp vụ này.

I. Hàng mua bán trả góp, trả chậm là gì?

Đây là những mặt hàng khi giao cho người mua thì được coi là tiêu thụ, doanh thu bán hàng được tính theo giá bán trả tiền ngay, khách hàng chỉ thanh toán một phần tiền mua hàng để nhận hàng và phần còn lại trả dần trong một thời gian và chịu khoản lãi theo quy định trong hợp đồng. Khoản lãi do trả chậm, trả góp sẽ hạch toán vào doanh thu hoạt động tài chính.

II. Cách hạch toán hàng trả góp, trả chậm

1. Đối với hàng mua trả góp, trả chậm

Hàng hóa, vật tư, TSCĐ khi được mua bằng phương pháp trả chậm, trả góp để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thì kế toán cần ghi:

  • Nợ TK 152, 153, 156, 211, 213 (nguyên giá – ghi theo giá mua trả tiền ngay)
  • Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331, 1332) nếu có
  • Nợ TK 242 – Chi phí trả trước
  • Có TK 331 – Phải trả cho người bán

Khi nhận hàng và thanh toán cho người bán thì cần ghi:

  • Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán
  • Có TK 111, 112 – Số phải trả định kỳ bao gồm cả giá gốc và lãi trả chậm, trả góp phải trả định kỳ

Theo định kỳ, tính vào chi phí theo số lãi trả góp, trả chậm của từng kỳ cần ghi:

  • Nợ TK 635 – Chi phí tài chính
  • Có TK 242 – Chi phí trả trước

hàng mua bán trả góp, trả chậm

2. Đối với hàng bán trả góp, trả chậm

Hàng bán ra theo phương thức trả góp, trả châm thì cần ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của kỳ kế toán theo giá bán trả tiền ngay (chưa có thuế). Theo đó, phần chênh lệch giữa giá bán trả chậm, trả góp với giá bán trả tiền ngay sẽ được ghi vào tài khoản 3387 – Doanh thu chưa thực hiện, còn doanh thu bán hàng sẽ được ghi như sau:

  • Nợ TK 111, 112, 131
  • Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (giá bán trả tiền ngay chưa có thuế GTGT)
  • Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp (3331, 3332)
  • Có K 3387 – Doanh thu chưa thực hiện (phần chênh lệch giữa giá bán trả chậm, trả góp và giá bán trả tiền ngay chưa có thuế GTGT)

Theo định kỳ, kế toán phải xác định và kết chuyển doanh thu tiền lãi bán hàng trả chậm, trả góp trong kỳ và ghi như sau:

  • Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện
  • Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính (lãi trả chậm, trả góp)

Khi kế toán thực hiện thu tiền bán hàng trả góp, trả chậm bào gồm cả phần chênh lệch giữa giá bán trả góp, trả chậm và giá bán trả tiền ngay thì cần ghi như sau:

  • Nợ TK 111,112
  • Có TK 131 – Phải thu của khách hàng

Ghi nhận giá vốn hàng bán thì ghi:

  • Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
  • Có TK 154, 155, 156

hàng mua bán trả góp, trả chậm

III. Chú ý khi mua bán hàng trả chậm, trả góp

1. Giá tính thuế GTGT

Thuế GTGT đối với hàng trả góp, trả chậm: Căn cứ theo Điều 7, khoản 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì giá tính thuế GTGT là giá tính theo giá bán trả một lần chưa có thuế GTGT của hàng hóa đó, không bao gồm khoản lãi trả góp, trả chậm.

2. Điều kiện khấu trừ thuế GTGT

Theo khoản 10 điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC quy định: hàng hóa mua trả chậm, trả góp có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì cơ sở kinh doanh căn cứ vào hợp đồng mua hàng, hóa đơn GTGT và chứng từ thanh toán qua ngân hàng của hàng hóa đó để kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Với trường hợp chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng do chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng thì cơ sở kinh doanh vẫn được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Còn trong trường hợp khi thanh toán, cơ sở kinh doanh không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng thì cơ sở kinh doanh đó phải kê khai, điều chỉnh giảm số thuế GTGT đã được khấu trừ đối với phần giá trị hàng hóa không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt.

Như vậy, bài viết đã giúp kế toán hiểu được cách hạch toán hàng trả góp, trả chậm sao cho chính xác nhất, cũng như cung cấp những thông tin về thuế có liên quan. Hy vọng kế toán có thể áp dụng để thực hiện các nghiệp vụ một cách chính xác và hiệu quả nhất.

>> Cách hạch toán chiết khấu thanh toán cho doanh nghiệp

>> Cách hạch toán trích dự phòng tiền lương