Kế toán cho người mới bắt đầu Lộ trình nghề nghiệp 7 Câu nói “cấm kị” trong quá trình phỏng vấn xin việc

7 Câu nói “cấm kị” trong quá trình phỏng vấn xin việc

881
phỏng vấn xin việc

Các bạn sinh viên mới ra trường thường dành rất nhiều công sức để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn xin việc vì đây là một cột mốc vô cùng quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Tìm hiểu về doanh nghiệp và vị trí mình ứng tuyển, luyện tập trả lời một số câu hỏi…Tuy nhiên, có những lỗi sai cơ bản mà các ứng viên không hề biết, dẫn đến sự mất điểm đáng tiếc đối với nhà tuyển dụng. Vì vậy, để giúp các bạn có sự chuẩn bị tốt nhất cho buổi phỏng vấn, bài viết dưới đây sẽ chia sẻ 7 câu nói mà bạn tuyệt đối nên tránh khi phỏng vấn xin việc.

phỏng vấn xin việc

1. Mức lương của công việc này là bao nhiêu?

Nhắc đến vấn đề lương thưởng trong buổi phỏng vấn xin việc đầu tiên là điều không nên làm. Nó làm nhà tuyển dụng cảm thấy bạn làm việc chỉ vì lương và tiền, thay vì làm vì yêu thích công việc hay môi trường của công ty. Như vậy, câu nói đó sẽ phần nào khiến bạn mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng.

Còn nếu khi nhà tuyển dụng hỏi bạn “Mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu?” thì bạn có thể trả lời cụ thể. Tuy nhiên, bạn cũng nên có cách trả lời khôn khéo như hỏi về công việc của vị trí ứng tuyển trước khi nói mức lương mong muốn, đưa ra một khoảng lương thay vì một con số cụ thể duy nhất, hay tìm hiểu trước về mức lương hiện tại của vị trí ứng tuyển tại doanh nghiệp đó và cả trên thị trường lao động nói chung.

2. Tôi không muốn làm công việc hiện tại

Khi được nhà tuyển dụng hỏi “Vì sao em không tiếp tục làm công việc hiện tại?”, nhiều ứng viên sẽ trả lời theo kiểu “vì em không còn hứng thú với công việc hiện tại”, “vì công ty trả mức lương thấp”. Tuy nhiên, bạn không nên trả lời như vậy. Cách tốt hơn đó là hãy nói về những điểm đặc biệt của vị trí đang ứng tuyển khiến bạn cảm thấy bị hấp dẫn, và nói thêm về những trải nghiệm ở công việc cũ sẽ là kinh nghiệm phục vụ cho công việc ứng tuyển tốt hơn.

sai lầm khi phỏng vấn

3. Tôi không có điểm yếu nào

Nếu nhà tuyển dụng hỏi về điểm yếu của bạn, tuyệt đối không nên nói là “Tôi không có điểm yếu nào” vì chẳng ai là hoàn hảo cả. Bạn nên chia sẻ những điểm yếu của mình nhưng hãy kèm theo cách để khắc phục và cải thiện nó, đừng chỉ liệt kê không. Làm như vậy sẽ khiến nhà tuyển dụng có ấn tượng tốt về bạn là một người chịu thay đổi, cầu tiến và muốn hoàn thiện bản thân.

4. Tại sao công ty lại bị tụt hạng?

Đừng hỏi nhà tuyển dụng những câu hỏi về những điều tiêu cực của doanh nghiệp, vì nó có thể gây khó chịu cho nhà tuyển dụng và làm buổi phỏng vấn đi theo chiêu hướng tiêu cực.

Đừng đặt những câu hỏi thẳng vào vấn đề tiêu cực mà hãy có những câu hỏi trung tính hơn. Dưới đây là 2 ví dụ về câu hỏi nào nên đặt và câu hỏi nào không nên:

  • Tại sao công ty lại đánh mất vi trí dẫn đầu trong năm vừa qua? -> Không nên.
  • Theo ông/bà, thách thức lớn nhất mà công ty phải đối mặt thời điểm này là gì? -> Nên.

phỏng vấn xin việc

5. Ông/bà sẽ nuối tiếc khi không chọn tôi

Tự tin là tốt nhưng tự tin quá lại không tốt, vì nó có thể thành tự kiêu. Không nhà tuyển dụng nào muốn lựa chọn một ứng viên nghĩ mình là giỏi nhất vì họ sẽ khó để học hỏi và lắng nghe từ người khác. Những câu nói như “Công ty sẽ mất mát lớn khi không có tôi”, “Ông/bà sẽ nuối tiếc nếu không chọn tôi” đều là những sai lầm vì bạn đâu thể biết khả năng của những ứng viên khác.

6. Tôi không có câu hỏi gì thêm

Cuối buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ thường hỏi “Bạn có câu hỏi gì cho chúng tôi không?” và rất nhiều bạn nói là “Tôi không có câu hỏi gì thêm”. Đó là một sai lầm vì nó cho thấy bạn không quá hào hứng với buổi phỏng vấn. Bạn nên hỏi thêm về vị trí bạn đang phỏng vấn nếu trúng tuyển như: Mức độ, trách nhiệm của công việc, lộ trình thăng tiến.

7. Tôi khó chịu với sếp cũ và đồng nghiệp

sai lầm khi phỏng vấn

Đừng bao giờ phàn nàn về sếp cũ hay đồng nghiệp cũ với nhà tuyển dụng vì họ sẽ nghi ngờ về thái độ làm việc và đối xử của bạn với mọi người xung quanh. Đừng nói đó như một lí do để từ bỏ công việc cũ, hãy nói mấy câu chung chung như: “Tôi muốn tìm một môi trường mới” hay “Tôi muốn thử thách bản thân với một công việc mới”.

Trong thực tế còn rất nhiều câu nói tuyệt đối nên tránh nhưng trên đây là một số câu nói điển hình nhất mà ứng viên hay mắc phải trong quá trình phỏng vấn xin việc. Bài viết hy vọng đã giúp bạn có một sự chuẩn bị tốt nhất cho buổi phỏng vấn của mình.