Nhận gia công may mặc có đặc thù riêng về kế toán vì chủ yếu là nhận bán thành phẩm, nguyên vật liệu của bên thuê để tiến hành gia công thêm các chi tiết theo yêu cầu. Vậy với hoạt động này ở phía bên nhận gia công sẽ thực hiện hạch toán như thế nào?
1. Các đặc thù trong kế toán doanh nghiệp nhận gia công hàng may mặc
Với doanh nghiệp nhận gia công, kế toán cần nắm chắc các đặc thù trong việc xác định chi phí nhân công, nguyên vật liệu và giá thành sản xuất.
1.1. Nguyên vật liệu
Các nguyên vật liệu phục vụ quá trình gia công may mặc gồm:
- Nguyên vật liệu chính: các loại vải cotton, thun, kate,…
- Nguyên vật liệu phụ:
- Ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm (logo, nhãn mác, cúc áo).
- Phục vụ cho sản xuất (kim, chỉ, phấn vẽ)
- Nguyên liệu và phụ tùng phục vụ sản xuất (vòng bi, xăng, dầu nhờn).
1.2. Tính chi phí gia công, theo dõi việc xuất – nhập thành phẩm gia công và bàn giao cho doanh nghiệp thuê
a, Nguyên vật liệu do bên thuê gia công cung cấp
Trị giá các nguyên vật liệu như vải mà bên thuê cung cấp không phải thuộc sở hữu vào tài sản doanh nghiệp nhận gia công. Nên kế toán không thể ghi nhận chúng vào các tài khoản tài sản như: TK 152, TK 155, TK 156.
Thay vào đó, kế toán chủ động theo dõi và ghi chép thông tin về giá trị vật tư, hàng nhận theo phần thuyết minh báo cáo tài chính hoặc mở sổ tài khoản ngoại bảng để theo dõi chi tiết từng đối tượng thương mại và từng đơn đặt hàng. Kế toán có thể hạch toán vào công nợ (chi tiết theo tên khách hàng).
b, Các loại chi phí khác:
- Chi phí nhân công được phân bổ theo giá trị đơn hàng.
- Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp do bên nhận gia công cấp như chỉ may, chỉ vắt sổ có thể phân bổ theo định mức cho từng sản phẩm.
- Chi phí sản xuất chung thường được tổng hợp cho toàn công ty và phân bổ cho từng đơn đặt hàng.
1.3. Xuất hàng đi gia công có cần xuất hóa đơn không?
Đối với bên nhận gia công, khi thực hiện xuất hàng gia công trả lại cho bên thuê, quy định như sau:
- Bên nhận gia công lập phiếu xuất kho.
- Chỉ xuất hóa đơn GTGT (hoặc hóa đơn bán hàng) đối với doanh thu hàng gia công và tiền nguyên vật liệu, phụ liệu (nếu bên nhận gia công có cung cấp các vật liệu, phụ liệu này).
- Đối với hàng gia công chuyển tiếp theo quy định của pháp luật thương mại quốc tế, thuế suất GTGT có thể là 0%. Giá tính thuế GTGT với gia công hàng hóa là giá gia công theo hợp đồng chưa có thuế GTGT, bao gồm tiền công, chi phí nhiêu liệu, vật liệu và các chi phí phục vụ gia công.
2. Hạch toán hàng gia công với bên nhận
Kế toán bên nhận gia công theo dõi hàng hóa nhận gia công chi tiết nhưng không hạch toán vào các tài khoản tài sản của doanh nghiệp.
Khi nhận hàng gia công:
Doanh nghiệp theo dõi và ghi chép thông tin giá trị vật tư hàng hóa nhận gia công trong phần thuyết minh báo cáo tài chính.
Khi phát sinh chi phí gia công (chi phí nguyên vật liệu, nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung) hạch toán như sau:
Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331,… (tập hợp chi phí gia công thuê sản phẩm cho đối tác)
Khi xác định doanh thu từ số tiền gia công thực tế được hưởng:
Nợ các TK 111, 112, 131,… (Số tiền thu được)
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (nếu có)
Khi hoàn thành quá trình gia công và giao trả hàng:
Lập phiếu xuất kho.
Nếu có phế phẩm thu hồi và nhập kho, ghi:
Nợ TK 152
Có TK 154.
Tạm kết:
Trên đây là hướng dẫn về việc hạch toán khi nhận gia công đối với bên nhận gia công sản phẩm may mặc. Mong rằng bài viết này hữu ích, cảm ơn các bạn đã theo dõi!