Kinh nghiệm Những thay đổi về xuất hóa đơn khi bán hàng từ năm...

Những thay đổi về xuất hóa đơn khi bán hàng từ năm 2020

1053
thay đổi quy định hóa đơn

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa sẽ bước sang năm 2020, trong lĩnh vực kinh doanh sẽ có một số quy định được thay đổi. Thông thường đối với hoạt động bán lẻ, giá trị hàng hóa không cao nên khách hàng thường không lấy hóa đơn. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2020, quy định về xuất hóa đơn khi bán hàng sẽ có thay đổi. Các đơn vị kinh doanh cần lưu ý cập nhật sớm.

1. Trước ngày 1/11/2020

Quy định về xuất hóa đơn giấy

Trước đây, theo Khoản 1 Điều 18 Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định, khi bán hàng hóa, dịch vụ, hóa đơn có tổng giá trị thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần bán thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn. (Lưu ý: Tuy không phải lập hóa đơn nhưng người bán phải lập Bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ.)

Khoản 7 Điều 3 Thông tư 26/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 119/2014/TT-BTC) quy định:

“Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hoá đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế.”

Áp dụng với: hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in, hóa đơn đặt mua của cơ quan thuế.

=> Tóm lại, khi bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên thì phải lập hóa đơn, kể cả trường hợp người mua không muốn lấy hóa đơn.

quy định về hóa đơn giấy

Quy định đối với hóa đơn điện tử

Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 04/2014/NĐ-CP quy định về hóa đơn có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2018 đến ngày 31/10/2020. Do đó, việc quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử trong thời gian này thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 31/2011/TT-BTC và Thông tư 39/2014/TT-BTC.

=> Mỗi lần khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có tổng giá trị từ 200.000 đồng trở lên, kể cả trường hợp người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) và trường hợp bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị dưới 200.000 đồng mà người mua yêu cầu lấy hóa đơn thì phải lập hóa đơn. Trường hợp người mua không yêu cầu lấy hóa đơn thì thực hiện như đối với hóa đơn giấy.

2. Từ ngày 1/11/2020 trở đi

Nghị định 119/2018/NĐ-CP hướng dẫn bởi Thông tư 68/2019/TT-BTC quy định kể từ ngày 1/11/2020 trở đi, các tổ chức kinh tế, cá nhân, hộ gia đình kinh doanh phải thực hiện đăng ký sư dụng hóa đơn điện tử.

quy định về hóa đơn điện tử

Theo đó, khoản 1 Điều 4 Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định:

“Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán (trừ hộ, cá nhân kinh doanh quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định này) phải lập hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Nghị định này, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ”.

Ngoài ra, Khoản 1 Điều 12 Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

=> Từ ngày 1/11/2020 trở đi, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh khi bán hàng, cung cấp dịch vụ phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định và phải ghi đầy đủ nội dung, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Kể cả trường hợp người mua không lấy hóa đơn nhưng dữ liệu vẫn được kết nối với cơ quan thuế.

Tóm lại:

  • Từ nay đến ngày 31/10/2020 chỉ duy nhất 1 trường hợp không phải lập hóa đơn đó là tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trừ trường hợp người mua yêu cầu.
  • Từ ngày 1/11/2020 trở đi, mọi trường hợp bán hàng, cung cấp dịch vụ phải lập hóa đơn điện tử và giao cho người mua, không phân biệt giá trị từng lần bán.

Trên đây là những quy định thay đổi về xuất hóa đơn khi bán hàng kể từ ngày 1/1/2020. Các đơn vị kinh doanh hãy chú ý cập nhật và thực hiện đúng quy định pháp luật.

Xem thêm:

Liên trong hóa đơn điện tử khác trong hóa đơn giấy thế nào?

Những điều kế toán cần biết về chữ ký số và chứng thư số trong hóa đơn điện tử

Quy định về màu mực, chữ ký trên hoá đơn, chứng từ, hợp đồng