Kinh nghiệm Phân biệt thuê TSCĐ hoạt động và thuê TSCĐ tài chính

Phân biệt thuê TSCĐ hoạt động và thuê TSCĐ tài chính

8028

Tài sản cố định thuê hoạt động và tài sản cố định thuê tài chính là hai hình thức phổ biến của thuê tài sản. Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau nhưng nhiều kế toán đặc biệt mới vào nghề dễ nhầm lẫn trong quá trình làm việc khiến hạch toán sai. Bài viết dưới đây sẽ khái quát những nội dung quan trọng để bạn có thể phân biệt được hai loại thuê tài sản này.

tài sản cố định thuê tài chính

1. Khái niệm

Thuê TSCĐ tài chính là thuê tài sản mà bên cho thuê có sự chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu tài sản cho bên thuê. Quyền sở hữu tài sản có thể chuyển giao vào cuối thời hạn thuê.

Thuê TSCĐ hoạt động: Là thuê tài sản không phải là thuê tài chính ( đồng nghĩa với việc không có sự chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích kinh tế gắn liền với quyền sở hữu tài sản).

2. Ghi nhận thuê tài sản trong báo cáo tài chính của bên thuê

Thuê TSCĐ tài chính:

– Bên thuê ghi nhận tài sản thuê tài chính là tài sản và nợ phải trả trên bảng cân đối kế toán với cùng 1 giá trị hợp lý của tài sản thuê tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản. Nếu giá trị hợp lý đó cao hơn giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu thì ghi theo giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu.

+ Tỷ lệ chiết khấu để tính giá trị hiện tại của khoản tiền thuê tài sản là lãi suất ngầm định trong hợp đồng thuê tài sản hoặc lãi suất ghi trong hợp đồng. Trường hợp không thể xác định lãi suất ngầm định thì sử dụng lãi suất biên đi vay của bên thuê.

– Khi trình bày các khoản nợ phải trả về thuê tài chính trong báo cáo tài chính, phải phân biệt nợ ngắn hạn và nợ dài hạn.

– Chi phí trực tiếp phát sinh ban đầu liên quan đến hoạt động thuê tài chính, như chi phí đàm phán ký hợp đồng được ghi nhận vào nguyên giá tài sản đi thuê.

– Khoản thanh toán tiền thuê tài sản thuê tài chính ohải được chia ra thành chi phí tài chính và khoản phải trả nợ gốc. Chi phí tài chính phải được tính theo từng ký kế toán trong suốt thời hạn thuê theo tỷ lệ lãi suất định kỳ cố định trên số dư nợ còn lại cho mỗi kỳ kế toán.

– Thuê tài chính sẽ phát sinh chi phí khấu hao tài sản và chi phí tài chính cho mỗi kỳ kế toán.

– Khi trình bày tài sản thuê trong báo cáo tài chính phải tuân thủ các quy định của chuẩn mực kế toán “TSCĐ hữu hình”.

Thuê TSCĐ hoạt động:

– Các khoản thanh toán tiền thuê hoạt động không bao gồm chi phí dịch vụ, bảo hiểm và bảo dưỡng, phải được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh theo phương pháp đường thẳng cho suốt thời hạn thuê tài sản, không phụ thuộc vào phương thức thanh toán, trừ khi áp dụng phương pháp tính khác hợp lý hơn.

tài sản cố định thuê hoạt động

3. Ghi nhận thuê tài sản trong báo cáo tài chính của bên cho thuê

Thuê TSCĐ tài chính:

– Bên cho thuê phải ghi nhận giá trị tài sản cho thuê tài chính là khoản phải thu trên bảng CĐKT bằng giá trị đầu tư thuần trong hợp đồng cho thuê Tài chính.

–  Đối với thuê tài chính phần lớn rủi ro và lợi ích kinh tế gắn liền với quyền sở hữu tài sản được chuyển giao cho bên thuê, vì vậy các khoản phải thu về cho thuê tài chính phải được ghi nhận là khoản phải thu vốn gốc và doanh thu tài chính từ khoản đầu tư và dịch vụ của bên cho thuê.

– Việc ghi nhận doanh thu tài chính phải dựa trên cơ sở lãi suất định kỳ cố định trên tổng số dư đầu tư thuần cho thuê tài chính.

– Bên cho thuê phân bổ doanh thu tài chính trong suốt thời gian cho thuê dựa trên lãi suất thuê định kỳ cố định trên số dư đầu tư thuần cho thuê tài chính. Khoản thanh toán tiền thuê tài chính không bao gồm chi phí cung cấp dịch vụ được trừ vào đầu tư gộp để làm giảm đi số vốn gốc và doanh thu tài chính chưa thực hiện.

–  Các chi phí trực tiếp ban đầu để tạo ra doanh thu tài chính như tiền hoa hồng và chi phí pháp lý phát sinh khi đàm phán ký kết hợp đồng thường do bên cho thuê chi trả và được ghi nhận ngay vào chi phí trong kỳ khi phát sinh hoặc được phân bổ dần vào chi phí theo thời hạn cho thuê tài sản phù hợp với việc ghi nhận doanh thu.

phân biệt thuê TSCĐ hoạt động và tài chính

Thuê TSCĐ hoạt động:

– Bên cho thuê phải ghi nhận tài sản cho thuê hoạt động trên BCĐKT theo cách phân loại tài sản của doanh nghiệp.

– Doanh thu cho thuê hoạt động phải được ghi nhận theo phương pháp đường thẳng trong suốt thời hạn cho thuê, không phụ thuộc vào phương thức thanh toán, trừ khi áp dụng phương pháp tính khác hợp lý hơn.

– Chi phí cho thuê hoạt động, bao gồm cả khấu hao tài sản cho thuê, được ghi nhận là chi phí trong kỳ khi phát sinh.

– Chi phí trực tiếp ban đầu để tạo ra doanh thu từ nghiệp vụ cho thuê hoạt động được ghi nhận ngay vào chi phí trong kỳ khi phát sinh hoặc phân bổ dần vào chi phí trong suốt thời hạn cho thuê phù hợp với việc ghi nhận doanh thu cho thuê hoạt động.

– Khấu hao tài sản cho thuê phải dựa trên một cơ sở nhất quán với chính sách khấu hao của bên cho thuê áp dụng đối với những tài sản tương tự, và chi phí khấu hao phải được tính theo quy định của chuẩn mực kế toán “Tài sản cố định hữu hình” và chuẩn mực kế toán “Tài sản cố định vô hình”.

– Bên cho thuê là doanh nghiệp sản xuất hay doanh nghiệp thương mại ghi nhnaj doanh thu từ nghiệp vụ cho thuê hoạt động theo từng thời hạn cho thuê.

Về cơ bản, kế toán có thể phân biệt thuê TSCĐ hoạt động và thuê TSCĐ tài chính theo hướng dẫn trên. Nếu còn điều gì thắc mắc, băn khoăn, hãy để lại lời nhắn phía dưới để được giải đáp nhé. Chúc bạn thành công!

Xem thêm:

Hướng dẫn thủ tục thanh lý nhượng bán tài sản cố định

Những điều cần biết khi tính hao mòn tài sản cố định

Cách hạch toán tài sản cố định thuê tài chính