Nổi bật 1 Cách tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần – Trường...

Cách tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần – Trường hợp người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

67
Cách tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Hình 1: Cách tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện khi có nhu cầu và đủ điều kiện thì được quyền rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Bài viết xin đề cập đến các quy định về cách tính mức hưởng BHXH một lần đối với người đóng BHXH tự nguyện.

Cách tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Hình 1: Cách tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Phần chi tiết quy định và cách tính mức hưởng hưởng BHXH một lần đối với người tham gia BHXH bắt buộc: các bạn xem chi tiết tại đây. 

Qua nội dung bài viết, AMIS HRM trình bày các quy định và cách tính mức hưởng BHXH một lần đối với người đóng BHXH tự nguyện và ví dụ cụ thể tính mức hưởng BHXH một lần đối với người vừa tham gia BHXH bắt buộc và đóng BHXH tự nguyện.

1. Các quy định chung về tính hưởng BHXH một lần đối với người đóng BHXH tự nguyện

1.1. Mức điều chỉnh hàng năm của thu nhập đóng BHXH tự nguyện

Theo quy định tại khoản 2 Điều 79 của Luật BHXH: Thu nhập tháng đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện của người lao động được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.

Theo khoản 4 và điểm b khoản 2 Điều 4 Nghị định 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015: Hằng năm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH đối với người tham gia BHXH tự nguyện trên cơ sở quy định tại khoản 2 Điều này và chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm do Tổng cục Thống kê công bố.

Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH được tính trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm do Tổng cục Thống kê công bố hằng năm và được xác định bằng công thức sau:

Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm t = Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm của năm liền kề trước năm người tham gia BHXH tự nguyện hưởng BHXH tính theo gốc so sánh bình quân của năm 2008 bằng 100%

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm của năm t tính theo gốc so sánh bình quân của năm 2008 bằng 100%

Trong đó:

– t: Là năm bất kỳ trong giai đoạn điều chỉnh;

– Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm t được lấy tròn hai số lẻ và mức thấp nhất bằng 1 (một).

Cụ thể, theo quy định tại Điều 3 Thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH. Thu nhập tháng đã đóng BHXH đối với người tham gia BHXH tự nguyện được điều chỉnh theo công thức sau:

Thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện sau điều chỉnh của từng năm = Tổng thu nhập tháng đóng BHXH của từng năm X Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm tương ứng

Người lao động hưởng BHXH một lần trong thời gian từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/12/2022, mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm tương ứng được thực hiện theo bảng dưới đây:

Năm 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015
Mức điều chỉnh 2.01 1.88 1.72 1.45 1.33 1.25 1.20 1.19
Năm 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022  
Mức điều chỉnh 1.16 1.12 1.08 1.05 1.02 1.00 1.00  

1.2. Mức thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện

Theo quy định tại khoản 7 và khoản 4 Điều 11 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, mức hưởng BHXH một lần được tính trên cơ sở mức bình quân thu nhập và tiền lương tháng đóng BHXH. Mức bình quân thu nhập và tiền lương tháng đóng BHXH được tính theo công thức sau:

Mức bình quân thu nhập và tiền lương tháng đóng BHXH = Tổng các mức thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện + Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc x Tổng số tháng đóng BHXH bắt buộc
Tổng số tháng đóng 

BHXH tự nguyện

+ Tổng số tháng đóng 

BHXH bắt buộc

Trong đó:

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc được tính theo quy định tại Điều 9 của Nghị định 115/2015/NĐ-CP và Điều 19 Điều 20 Thông tư 59/2015, cách tính cụ thể như sau:

Mức bình quân tiền lương tháng =

=

Tổng số tháng đóng BHXH X Tiền lương tháng đóng BHXH X Mức điều chỉnh 

hàng năm

Tổng số tháng đóng BHXH

– Mức thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện là mức thu nhập tháng đã đóng BHXH tự nguyện được điều chỉnh theo quy định.

Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện được tính bằng bình quân các mức thu nhập tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng. (Theo Điều 79 Luật BHXH).

Theo Điều 4 Nghị định 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 về BHXH tự nguyện có hiệu lực từ ngày 15/02/2016: Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH theo Điều 79 của Luật BHXH được quy định như sau:

  • Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH được tính bằng bình quân các mức thu nhập tháng đã đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng.
  • Thu nhập tháng đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH quy định tại khoản 1 Điều này được điều chỉnh như sau:  Thu nhập tháng đã đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm bằng thu nhập tháng đã đóng BHXH của từng năm nhân với mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm tương ứng.
  • Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 9 Nghị định này thì mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH được tính theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trong đó thu nhập tháng đã đóng BHXH theo phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu nhận mức điều chỉnh bằng 1 (một).

1.3. Mức hưởng BHXH một lần không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện 

Theo quy định tại khoản 3 Điều 77 Luật BHXH năm 2014, mức hưởng BHXH một lần của đối tượng được Nhà nước hỗ trợ không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, trừ trường hợp những người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.

Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 6 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/02/2016:  Mức hưởng BHXH một lần không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, trừ trường hợp người mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế. Việc tính mức hưởng BHXH một lần được thực hiện như người lao động không được Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH, sau đó trừ đi số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện.

Số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện được tính bằng tổng số tiền Nhà nước hỗ trợ của từng tháng đã đóng BHXH tự nguyện. Mức hỗ trợ của từng tháng được tính theo công thức sau:

Số tiền Nhà nước hỗ trợ tháng i = 0,22 x Chuẩn nghèo khu vực nông thôn tại tháng i x Tỷ lệ hỗ trợ của nhà nước tại tháng i

Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông, cụ thể (theo quy định tại Điều 14 Nghị định 134/2015/NĐ-CP):

a) Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo;

b) Bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo;

c) Bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).

Ví dụ: Ông K trong tổng số 9 năm 5 tháng đóng BHXH có 01 năm 3 tháng (15 tháng) tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng, giả định Nhà nước hỗ trợ dựa trên mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn là 700.000 đồng/tháng và tỷ lệ hỗ trợ đối với ông K là 10%. 

Tổng số tiền Nhà nước hỗ trợ cho ông K là: 

(0.22 x 700.000 đồng/tháng x 10%) x 15 tháng = 231.000 đồng

Số tiền này bị trừ đi khi tính mức hưởng BHXH một lần của ông K.

2. Mức hưởng BHXH một lần đối với NLĐ đóng BHXH tự nguyện

2.1. Mức hưởng BHXH một lần khi NLĐ đóng BHXH tự nguyện trên 1 năm

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 77 Luật BHXH và Khoản 3 Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13: Mức hưởng BHXH một lần đối với người tham gia BHXH tự nguyện được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:

a) 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;

b) 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

Vậy, mức hưởng BHXH một lần được tính theo công thức:

Mức hưởng BHXH một lần = 1,5 x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH x Thời gian đóng BHXH trước năm 2014 + 2 x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH x Thời gian đóng BHXH sau năm 2014

Trong đó, theo điểm c Khoản 2 Điều 6 Thông tư 01/2016

– Trường hợp thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.

– Trường hợp có thời gian đóng BHXH cả trước và sau ngày 01/01/2014  mà thời gian đóng trước ngày 01/01/2014 có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng BHXH từ ngày 01/01/2014 trở đi để làm căn cứ tính hưởng BHXH một lần.

Ví dụ: Ông K có thời gian đóng BHXH là 9 năm 5 tháng (trong đó 5 năm 02 tháng đóng BHXH trước ngày 01/01/2014) với mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH là 5.000.000 đồng/tháng. 

 Ông K có 5 năm 02 tháng đóng BHXH trước năm 2014; 02 tháng lẻ sẽ được chuyển sang giai đoạn từ năm 2014. Như vậy. số tháng đóng BHXH để tính BHXH một lần của ông K được tính là 5 năm trước năm 2014 và 4 năm 5 tháng đóng BHXH giai đoạn từ năm 2014 trở đi (được tính là 4.5 năm).

Mức hưởng BHXH một lần của ông K được tính như sau: 

(1.5 th/năm x 5 năm + 2 th/năm x 4.5 năm) x 5.000.000 vnđ/tháng = 82.500.000 đồng.

Ví dụ: Bà H có 10 năm 8 tháng đóng BHXH với mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH là 4.500.000 đồng/tháng. Tháng 8/2016 bà có đơn đề nghị hưởng BHXH một lần. 

Quá trình đóng BHXH của bà H như sau:

– Từ tháng 01/2003 đến tháng 8/2009: Đóng BHXH bắt buộc (6 năm 8 tháng).

– Từ tháng 9/2009 đến tháng 8/2013: Đóng BHXH tự nguyện (4 năm).

Tổng thời gian đóng BHXH của bà H được tính tròn là 11 năm

Mức hưởng BHXH một lần của bà H được tính như sau: 

1.5 tháng/năm x 11 năm x 4.500.000 vnđ/tháng = 74.250.000 đồng.

2.2. Mức hưởng BHXH một lần khi đóng BHXH tự nguyện chưa đủ 1 năm

Theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 77 Luật BHXH: Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH. 

Cụ thể theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 6 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH, Mức hưởng BHXH một lần của người tham gia BHXH có thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm (12 tháng) được tính bằng 22% của tổng các mức thu nhập tháng đã đóng BHXH, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH. Trong đó. mức thu nhập tháng đã đóng BHXH để tính hưởng BHXH một lần được Điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP

2.3. Mức hưởng BHXH một lần đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng ra nước ngoài định cư

Theo khoản 5 điều 77 Luật BHXH. Đối với người lao động tham gia BHXH tự nguyện đang hưởng lương hưu ra nước ngoài để định cư, thì chế độ BHXH được thực hiện như sau:

Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng ra nước ngoài để định cư được giải quyết hưởng trợ cấp một lần.

  • Mức trợ cấp một lần đối với người đang hưởng lương hưu được tính theo thời gian đã đóng BHXH trong đó

+ Mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 được tính bằng 1,5 tháng lương hưu đang hưởng, 

+ Mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi được tính bằng 02 tháng lương hưu đang hưởng; 

+ Sau đó mỗi tháng đã hưởng lương hưu thì mức trợ cấp một lần trừ 0,5 tháng lương hưu. Mức thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu đang hưởng.

  • Mức trợ cấp một lần đối với người đang hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng bằng 03 tháng trợ cấp đang hưởng. (theo Điều 65 Luật BHXH)

3. Ví dụ tính số tiền hưởng BHXH một lần đối với NLĐ vừa có thời gian tham gia BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện

Nhân viên A làm việc cho công ty và có tham gia BHXH bắt buộc từ tháng 05/2017 đến tháng 9/2018. Nhân viên A đã nghỉ việc vào tháng 10/2018. Từ tháng 01/2019 đến tháng 9/2019, A đóng BHXH tự nguyện. Tháng 5/2022, A muốn nhận tiền BHXH một lần.

Quá trình đóng bảo hiểm của A như sau:

– Từ tháng 05/2017 đến tháng 12/2017: mức lương đóng BHXH là: 4.570.000đ

– Từ tháng 01/2018 đến tháng 09/2018, mức lương đóng BHXH là: 4.800.000đ

– Từ tháng 01/2019 đến tháng 09/2019, mức lương đóng BHXH là: 4.800.000đ

Theo quy định tại Thông tư số 36/2021/TT-BLĐTBXH ngày 31/12/2021, mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH bắt buộc của năm 2017, 2018 từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/12/2022 tương ứng là 1,12; 1,08; và mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH tự nguyện của năm 2019 là 1,05.

Theo quy định tại điều 14 thông tư Nghị định 134/2015: Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện đối với các đối tượng khác là 10% trên mức đóng BHXH hằng tháng.

Cách tính BHXH 1 lần của A như sau:

  • Thời gian đóng BHXH được tính hưởng BHXH một lần tính đến ngày 30 tháng 09 năm 2019 là 2 năm 3 tháng, trong đó có 1 năm 5 tháng đóng BHXH bắt buộc và 9 tháng đóng BHXH tự nguyện, chia ra:
Thời gian đóng BHXH 
Hình 2: Thời gian đóng BHXH

Thời gian đóng BHXH trước năm 2014: 0 năm 0 tháng

Thời gian đóng BHXH từ năm 2014 trở đi: 02 năm 3 tháng

  • Tính mức bình quân tiền lương, thu nhập tháng hoặc bình quân tiền lương và thu nhập tháng để tính hưởng BHXH một lần: 5.116.563 đồng
  • Tiền lương/thu nhập đóng BHXH của các giai đoạn tham gia BHXH như sau:

+  Từ T5/2017 đến T12/2017. Thời gian 8 tháng – Mức lương: 4.570.000 đồng

4.570.000 x 1.12 x 8 = 40.947.200 đồng

+ Từ T1/2018 đến T10/2018: Thời gian 10 tháng – Mức lương: 4.800.000 đồng

4.800.000 x 1.08 x 10 = 51.840.000 đồng

+ Từ T1/2019 đến T9/2019: Thời gian 9 tháng – Mức thu nhập đóng BHXH: 4.800.000 đồng

4.800.000 x 1.05 x 9 = 45.360.000 (đồng)

Tổng thời gian: 8 + 10 + 9 = 27 (tháng)

Tổng số tiền = 40.947.200 + 51.840.000 + 45.360.000 = 138.147.200 (đồng)

  • Mức bình quân tiền lương/thu nhập đóng BHXH: 

138.147.200: 27 = 5.116.563 (đồng)

  • Mức hưởng: 25.444.215 đồng, trong đó:
  • Mức hưởng BHXH một lần: 25.582.815 đồng

+ Mức hưởng đối với thời gian tham gia BHXH trước 2014: 

5.116.563 x 0 x 1,5 = 0 (đồng)

+ Mức hưởng đối với thời gian đóng BHXH từ năm 2014 trở đi:

5.116.563 x 2,5 x 2 = 25.582.815 (đồng)

  • Mức trợ cấp khu vực một lần: 0 đồng
  • Mức hỗ trợ của Nhà nước cho việc đóng BHXH tự nguyện (nếu có): 138.600 đồng

Số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện từ tháng 01/2018 – hết tháng 12/2021: 0.22 x 700.000 x 10% x 9 tháng = 138.600 (đồng)

  • Phí khám giám định y khoa: 0 đồng

Tổng tiền BHXH 1 lần được nhận:

25.582.815 – 138.600 = 25.444.215 (đồng)

Trên đây là quy định về cách tính BHXH một lần đối với người đóng BHXH. MISA AMIS mong rằng bài viết sẽ giúp ích cho các bạn đọc quan tâm nắm được cách tính mức hưởng BHXH một lần. Chúc các bạn thành công!

Người tổng hợp: NLTH