Kế toán thuế là vị trí không thể thiếu đối với bất cứ doanh nghiệp nào. Để hạn chế thấp nhất mức thuế phải nộp nhưng không vi phạm Luật thuế, người làm kế toán thuế cần có bề dày kinh nghiệm, am hiểu chuyên sâu, nhanh chóng nắm bắt những Thông tư, quy định mới để kịp thời xử lý công việc theo đúng quy định và các tình huống liên quan tới thuế phát sinh.
Vậy những việc cần làm của một kế toán thuế gồm những việc gì?
Tùy vào mô hình của doanh nghiệp có thể bố trí một kế toán kế toán tổng hợp, kế toán bán hàng thực hiện kế toán thuế. Song ở bài viết này, chúng tôi muốn viết riêng cho một kế toán, một vị trí chuyên làm về phần thuế trong doanh nghiệp.
1. Những công việc cần làm của một kế toán thuế:
– Ghi chép các nghiệp vụ phát sinh về thuế trong doanh nghiệp.
– Lập chứng từ nộp các khoản thuế phát sinh.
– Lập các báo cáo thuế định kỳ, kê khai trên phần mềm thuế điện tử của Tổng cục thuế.
– Làm việc với cơ quan thuế khi có phát sinh vướng mắc hoặc khi có quyết định kiểm tra, quyết toán thuế.
– Lập báo cáo tình hình thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (Tùy theo có doanh nghiệp không yêu cầu)
Làm kế toán thuế cần các tố chất gì? Kế toán thuế không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp mà việc làm đúng nghĩa vụ thuế giúp doanh nghiệp tránh được các rủi ro vi phạm pháp luật về thuế. Do đó, kế toán thuế đòi hỏi phải là người cẩn trọng, có kinh nghiệm để không bỏ sót, không nhầm lẫn và có sự nhạy bén để xử lý các tình huống có thể phát sinh đối với doanh nghiệp.
Ngoài ra, để làm tốt các công việc nêu trên, kế toán thuế cần phải nắm vững các thông tư, nghị định, luật thuế hiện hành, nhất là cần nắm bản chất kinh tế các hoạt động phát sinh của doanh nghiệp bạn để tìm đúng các quy định, hướng dẫn về thuế phù hợp cho từng nghiệp vụ này.
Tham khảo ngay phần mềm kế toán online MISA AMIS để gấp đôi hiệu quả công tác kế toán-tài chính trong doanh nghiệp và đáp ứng các xu hướng làm việc mới!
2. Các loại thuế phát sinh trong doanh nghiệp:
Các loại thuế chính mà hầu hết các doanh nghiệp thường phải thực hiện các nghĩa vụ là: Thuế môn bài, Thuế Giá trị gia tăng, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế thu nhập cá nhân, Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tùy từng loại hình doanh nghiệp sẽ có thêm một số loại thuế như Thuế nhà thầu, Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế tài nguyên, Thuế xuất nhập khẩu, Thuế bảo vệ môi trường, Thuế sử dụng đất nông nghiệp, Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
3. Các công việc cần làm của một kế toán thuế trong năm tài chính:
3.1 Lệ phí môn bài:
– Căn cứ pháp lý:
– Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài và các văn bản hướng dẫn thi hành: Thông tư số 302/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về lệ phí môn bài và Thông tư số 65/2020/TT-BTC ngày 9/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điểu của thông tư 302/2016/TT-BTC hướng dẫn về lệ phí môn bài
Lệ phí môn bài là khoản thuế được thực hiện nộp vào đầu năm tài chính, đối với doanh nghiệp mới thành lập thì chậm nhất ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động của doanh nghiệp, còn đối với doanh nghiệp đã hoạt động thì ngày cuối cùng của tháng đầu tiên trong năm tài chính (31/01 hàng năm). Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế trong thời gian của 6 tháng đầu năm thì nộp mức Môn bài cả năm, nếu thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế trong thời gian 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức thuế Môn bài cả năm.
Bảng 1: Các mức thuế môn bài phải nộp theo Thông tư 302/2016/TT-BTC
– Đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
TT | Căn cứ thu | Mức thu |
1 | Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng | 03 triệu đồng/năm |
2 | Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống | 02 triệu đồng/năm |
3 | Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác | 01 triệu đồng/năm |
– Với các cá nhân, hộ gia đình có thực hiện kinh doanh, mức thu lệ phí môn bài như sau:
TT | Doanh thu | Mức nộp |
1 | Trên 500 triệu đồng/năm | 01 triệu đồng/năm |
2 | Trên 300 đến 500 triệu đồng/năm | 500.000 đồng/năm |
3 | Trên 100 đến 300 triệu đồng/năm | 300.000 đồng/năm |
– Các công việc kế toán thuế cần thực hiện: Đầu năm tài chính kế toán thuế lập giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo đúng chương mục, khoản mục thuế môn bài để nộp vào ngân sách nhà nước. Theo quy định của Tổng cục thuế hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện nộp thuế online, vì vậy bạn chỉ cần thực hiện trên online trên trang web ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản hoặc chuyển giấy đề nghị sang cho kế toán ngân hàng thực hiện và hạch toán.
Hiện nay với một số phần mềm kế toán đã có sẵn các mẫu nộp tiền vào ngân sách bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản.
3.2. Thuế giá trị gia tăng:
– Căn cứ pháp lý: Thuế GTGT thi hành theo Thông tư 151/2014/TT-BTC. Sửa đổi một số điều của thông tư 219/2013/TT-BTC Thuế GTGT là loại thuế khai theo tháng, trừ trường hợp phải khai theo quý theo quy định như sau:
+ Khai thuế theo quý áp dụng đối với người nộp thuế giá trị gia tăng có tổng doanh thu bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống.
+ Trường hợp người nộp thuế mới bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh việc khai thuế giá trị gia tăng được thực hiện theo quý. Sau khi sản xuất kinh doanh đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch tiếp theo sẽ căn cứ theo mức doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ của năm dương lịch trước liền kề (đủ 12 tháng) để thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo tháng hay theo quý.”
– Về việc kê khai, nộp thuế GTGT: Trường hợp cụ thể sẽ phụ thuộc vào phương pháp tính thuế của từng loại hình công ty.
+ Trường hợp công ty tính thuế theo phương pháp khấu trừ:
Công thức tính như sau:
Thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra – thuế GTGT đầu vào Thuế GTGT = Giá tính thuế x Thuế suất |
Thuế suất: có 3 mức thuế suất với các trường hợp áp dụng và các thông tư quy định kèm theo được minh họa như hình vẽ sau:
+ Trường hợp công ty tính thuế theo phương pháp trực tiếp:
Công thức tính:
Thuế GTGT phải nộp = Doanh thu x Tỷ lệ thuế |
Nộp thuế với tỷ lệ thuế được minh họa như hình sau: theo quy định tại điều 13 Thông tư 219/2013/TT-BTC
+ Trường hợp công ty kinh doanh vàng, bạc, đá quý:
Công thức tính:
Thuế GTGT phải nộp = Giá trị gia tăng x 10% |
Giá trị gia tăng của vàng, bạc, đá quý được xác định bằng giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra trừ (-) giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào tương ứng.
– Các công việc kế toán thuế cần thực hiện:
+ Kiểm tra chứng từ thuế đầu vào: Chứng từ thuế đầu vào phát sinh ở nhiều bộ phận nghiệp vụ liên quan khác, chính vì vậy kế toán thuế cần kiểm tra lại các bộ phận kế toán khác đã cập nhật hạch toán đầy đủ hay chưa. Hiện nay một số phần mềm kế toán đã cho phép trích xuất dữ liệu từ các phần hành kế toán khác để thực hiện “Bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ mua vào” ví dụ như MISA. Tại bảng kê này, cần kiểm tra các bộ phận kế toán khác đã kê khai đầy đủ các thông tin của hóa đơn chứng từ hàng hóa, dịch vụ mua vào như: seri hóa đơn, số hóa đơn, mã số thuế đơn vị bán… Kiểm tra tổng số thuế trên Bảng kê để khớp đúng với số phát sinh trên tài khoản thuế GTGT mua vào (tổng phát sinh trên tài khoản 1331, 1332).
Lưu ý: Nếu là đơn vị nhập khẩu, thuế GTGT hàng nhập khẩu đã nộp theo tờ khai hải quan được kê khai ở “Bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ mua vào”.
+ Kiểm tra chứng từ thuế đầu ra: Thuế GTGT đầu ra thường phát sinh ở bộ phận bán hàng. Thông thường kế toán bán hàng, dịch vụ sẽ hạch toán thuế GTGT đầu ra. Cuối tháng (hoặc quý), kế toán thuế cần kiểm tra việc hạch toán thuế GTGT đầu ra đã đầy đủ hay chưa để lập bảng kê “Bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ bán ra”. Phần mềm kế toán MISA đã cho phép bạn trích xuất được bảng kê này. Bạn chỉ cần kiểm tra tính chính xác của các chỉ tiêu kê khai trên bảng kê như: số hóa đơn, seri hóa đơn, mã số thuế đơn vị mua… Kiểm tra tổng phát sinh thuế trên bảng kê để khớp đúng với số phát sinh trên tài khoản 3331.
+ Lập “Tờ khai thuế GTGT”: Căn cứ số thuế GTGT đầu vào và thuế GTGT đầu ra để lập tờ khai thuế GTGT theo mẫu của Tổng cụ thuế và thực hiện kê khai trên phần mềm Hỗ trợ khê khai (HTKK) của Tổng cục thuế. Nếu số thuế đầu vào lớn hơn đầu ra thì thực hiện việc là các thủ tục hoàn thuế (xem thêm quy định thủ tục hoàn thuế). Nếu thuế GTGT đầu ra lớn hơn thuế GTGT đầu vào thì làm giấy chuyển tiền nộp thuế để nộp đúng thời hạn quy định.
3.3. Thuế Thu nhập cá nhân:
– Căn cứ pháp lý: Luật thuế Thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 và Luật số 26/2012/QH13; Luật số 38/2019/QH14 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thông tư 156/2013/TT-BTC; Thông tư 92/2015/TT-BTC; Nghị định 126/2020/NĐ-CP
– Từ năm 2021: Trong kỳ (tháng, quý) doanh nghiệp không phát sinh thuế TNCN vẫn phải nộp kê khai thuế trên phần mềm HTKK của Tổng cục thuế.
– Trên phần mềm HTKK của Tổng cục thuế có đầy đủ các mẫu biểu kê khai thuế TNCN cho doanh nghiệp. Kế toán thuế cần thu thập thông tin về tiền lương tiền công hàng tháng trả cho người lao động để thực hiện công việc kê khai và nộp thuế TNCN.
– Cuối năm tài chính kế toán thuế thực hiện việc quyết toán thuế TNCN nếu người lao động có ủy quyền theo mẫu số 02/UQ-QTT-TNCN. Nếu cá nhân không ủy quyền, kế toán thuế viết chứng từ thuế TNCN trả cho người lao động để họ tự quyết toán thuế.
3.4. Thuế Thu nhập doanh nghiệp:
– Căn cứ pháp lý: Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các thông tư, nghị định hướng dẫn thi hành.
– Công thức tính thuế: Thuế TNDN được tính theo công thức quy định tại thông tư 96/2015/TT-BTC như sau:
Thuế TNDN phải nộp = ( Thu nhập tính thuế – Phần trích lập quỹ KH&CN (nếu có) )x Thuế suất thuế TNDN |
Thu nhập tính thuế | = | Thu nhập chịu thuế | – | Thu nhập được miễn thuế | + | Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định |
Thu nhập chịu thuế = Doanh thu – Chi phí được trừ + Các khoản thu nhập khác |
– Thuế suất thuế TNDN được quy định tại Điều 11 Thông tư 78/2015/TT-BTC như sau:
- Thuế suất 20%: Áp dụng từ 01/01/2016 chung cho các doanh nghiệp.
- Một số doanh nghiệp được ưu đãi thuế TNDN: Áp dụng theo điều 11 và 12 Thông tư 96/2015/TT-BTC.
- Có một số trường hợp đặc biệt không áp dụng mức 20% được minh họa theo hình sau:
– Các công việc kế toán thuế cần thực hiện: Thuế TNDN là loại thuế tạm nộp theo quý và quyết toán theo năm. Vì vậy hàng quý kế toán thuế phải tính được Lợi nhuận thực hiện của quý đó để tạm tính thuế TNDN hàng quý và thực hiện nộp thuế theo quy định. Cuối năm thực hiện việc quyết toán thuế TNDN và kê khai trên phần mềm HTKK của Tổng cục thuế đúng thời hạn.
3.5 Các loại thuế khác trong doanh nghiệp:
– Tùy từng loại hình hoạt động của doanh nghiệp, còn có một số loại thuế như sau:
Thuế TNDN phải nộp = ( Thu nhập tính thuế – Phần trích lập quỹ KH&CN (nếu có) )x Thuế suất thuế TNDN |
+ Thuế tài nguyên: Nếu có phát sinh hoạt động khai thác khoáng sản.
Công thức tính:
Thuế tài nguyên phải nộp = sản lượng tài nguyên x giá tính thuế x thuế suất |
+ Thuế xuất khẩu, nhập khẩu: Nếu có phát sinh hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu
Công thức tính:
Thuế xuất khẩu, nhập khẩu phải nộp = số lượng mặt hàng thực tế xuất khẩu, nhập khẩu trên tờ khai hải quan x trị giá từng mặt hàng x thuế suất |
+Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB): Nếu có hoạt động sản xuất hoặc nhập khấu hàng hóa hoặc kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Công thức tính:
Thuế TTĐB phải nộp = giá tính thuế x thuế suất |
+ Thuế bảo vệ môi trường (BVMT): Nếu có sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường theo quy định tại Luật thuế bảo vệ môi trường 2010
Công thức tính:
Thuế BVMT phải nộp = Số lượng hàng hóa tính thuế x mức thuế tuyệt đối |
+ Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (SDĐPNN): Nếu có sử dụng đất để sản xuất, thực hiện dự án đầu tư, xây dựng trụ sở cơ quan…
Công thức tính:
Thuế SDĐPNN phải nộp = Diện tích đất sử dụng x Giá tính thuế của 1 m2 x thuế suất |
+ Thuế nhà thầu: Là loại thuế áp dụng đối với cá nhân, tổ chức (nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài) khi kinh doanh hoặc có thu nhập tại Việt Nam theo quy định (Thông tư 103/2014/TT-BTC).
+ Thuế tiêu thụ đặc biệt: Là loại thuế gián thu đánh vào một số hàng hóa đặc biệt, mang tính chất xa xỉ do các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ. Các cơ sở trực tiếp sản xuất ra hàng hoá đó sẽ chịu trách nhiệm nộp thuế nhưng người tiêu dùng là người chịu thuế vì thuế được cộng vào giá bán.
– Nhiệm vụ của kế toán thuế: Lập bảng tính toán các loại thuế phát sinh theo từng loại hình doanh nghiệp để chuyển tiền nộp thuế và hạch toán theo quy định.
4. Những kinh nghiệm kế toán thuế cần lưu ý:
– Hiểu rõ các Thông tư, Nghị định hiện hành áp dụng cho từng loại thuế của doanh nghiệp mình. Thường xuyên cập nhật các quy định, hướng dẫn mới.
– Kiểm tra tính hợp lý, hợp lệ của chứng từ, hóa đơn thuế, nhất là các chứng từ đầu vào (ví dụ, cần thường xuyên đặt các câu hỏi: DN cung cấp hóa đơn còn hoạt động hay không? Hóa đơn trên 20 triệu có thực hiện bằng chuyển khoản hay không? Xuất hóa đơn khi nào và các thông tin trên hóa đơn như địa chỉ, mã số thuế đã đúng chưa…). Để tìm hiểu kỹ hơn về Hóa đơn, mời các bạn tham khảo ở bài viết khác của amis.misa.vn.
– Tính đúng, tính đủ các loại thuế phát sinh trong doanh nghiệp, làm tốt công tác kê khai thuế đầu ra.
– Kê khai, nộp thuế đúng thời hạn quy định của Tổng cục thuế. Thường xuyên cập nhật phần mềm Hỗ trợ kê khai và thực hiện kê khai thành thạo các biểu mẫu quy định.
– Thường xuyên (ít nhất là hàng tháng) kiểm tra việc hạch toán giữa Sổ chi tiết và Sổ cái, giữa Bảng kê chi tiết và Tờ khai tổng hợp, giữa Tờ khai và số dư các tài khoản thuế. (Ví dụ: Tổng phát sinh thuế GTGT đầu vào trên tờ khai phải khớp đúng với Tổng phát sinh có của các tài khoản như 1111, 1121, 3311, 3312…)
– Kiểm tra tỷ lệ thuế GTGT đầu ra so với doanh số đầu ra. Tùy theo từng loại hàng hóa dịch vụ, căn cứ vào doanh số bán hàng để kiểm tra số thuế GTGT của hàng hóa bán ra. (Ví dụ Tổng số thuế GTGT của hàng hóa chịu thuế suất 10% trên bảng kê chi tiết sẽ bằng phát sinh có trên tài khoản 511 của loại hàng hóa đó nhân 10%)
– Lưu trữ hóa đơn chứng từ tốt. Cần lưu trữ hóa đơn, chứng từ, giấy nộp tiền… các loại một cách khoa học, vừa tránh mất mát vừa tạo điều kiện trình cơ quan thuế khi cần. Việc lưu trữ hóa đơn, đóng sổ gọn gàng, có bảng kê với từng cuốn, có phân loại (có thể phân loại theo thời gian, theo loại hóa đơn chứng từ, cũng có thể dùng các chỉ thị mầu khác nhau để phân biệt bằng mắt thường các tập hóa đơn….) vừa tạo điều kiện dễ dàng cho khâu kiểm tra, tìm kiếm, vừa tạo thiện cảm khi cơ quan thuế đến kiểm tra và làm việc với đơn vị.
– Giữ liên lạc và cư xử chuẩn mực khi làm việc với cơ quan thuế để có thể cập nhập những thông tin, quy định mới nhất, có thể hỏi đáp được những vấn đề phát sinh khác thường hoặc các vướng mắc kịp thời trong quá trình làm việc.
Kim Tuyến