Nghiệp Vụ old Cách tính thuế TNCN đối với những lao động ngắn hạn

Cách tính thuế TNCN đối với những lao động ngắn hạn

1143

Thị trường lao động hiện nay đang vô cùng sôi động với muôn vàn công việc dưới những hình thức khác nhau. Ngoài công việc chính thức, lâu dài mà ai cũng mong muốn thì cũng có những công việc ngắn hạn hơn, cụ thể là công việc thời vụ, thuê khoán hay nhân viên đang trong thời gian thử việc. Vậy những hình thức lao động này có phải đóng thuế TNCN không, nếu có thì mức thuế và cách đóng như thế nào?

1. Cách tính thuế thu nhập cá nhân với nhân viên thử việc

Theo Thông tư 111/2013/TT-BTC, các tổ chức, cá nhân trả thù lao hoặc lương cho người lao động không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng có tổng mức trả thu nhập từ 2.000.000 đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế với tỷ lệ là 10% trên tổng giá trị thu nhập trước khi trả cho người lao động.

Trong trường hợp người lao động chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm cam kết thu nhập theo mẫu 02/CK-TNCN theo Thông tư 92/2015/TT-BTC, đồng thời phải có mã số thuế tại thời điểm cam kết. Sau đó gửi cho tổ chức trả thu nhập để làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế TNCN.

Tuy nhiên nếu cá nhân đó trong năm dương lịch trước khi vào làm tại doanh nghiệp, đã đi làm ở 1 nơi khác và có thu nhập tại đó và có mã số thuế, hoặc nếu cá nhân đó có thu nhập ở 2 nơi thì sẽ không được làm cam kết 02.

thuế TNCN

2. Cách tính thuế thu nhập cá nhân với nhân viên thời vụ

Lao động thời vụ là việc người lao động ký kết hợp đồng với công ty để thực hiện những công việc mang tính chất thời vụ, có thời hạn thường từ 3-6 tháng. Theo luật lao động thì thời gian làm việc thời vụ sẽ dưới 12 tháng.

  • Nếu hợp đồng thời vụ có thời hạn từ 3 tháng trở lên: Tính thuế TNCN theo biểu lũy tiến từng phần
  • Nếu hợp đồng thời vụ có thời hạn duới 3 tháng: thực hiện tính và khấu trừ thuế TNCN 10% khi chi trả thu nhập từ 2.000.000 đồng trở lên (nếu không đủ điều kiện làm cam kết)

Trong trường hợp phát sinh thu nhập nhiều lần trong tháng hoặc trong năm:

  • Nếu hợp đồng thời vụ dưới 3 tháng mà lương được thanh toán theo tuần với mức chi trả dưới 2.000.000 đồng/lần thì vào mỗi lần chi trả, doanh nghiệp sẽ tạm thời không phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi chi trả cho người lao đông. Nhưng đến cuối tháng, doanh nghiệp tổng hợp thu nhập đã chi trả cho từng nhân viên trong tháng, tính và kê khai nộp thuế TNCN (theo mức 10%) đối với những cá nhân có tổng thu nhập từ 2.000.000 đồng trở lên.
  • Nếu hợp đồng thời vụ dưới 3 tháng nhưng trong năm tài chính, doanh nghiệp ký nhiều lần không liên tục với người lao động, trong 1 năm đó cá nhân có tổng thời gian lao động tại doanh nghiệp từ 3 đến dưới 12 tháng thì doanh nghiệp thực hiện tạm khấu trừ thuế của cá nhân theo biểu thuế lũy tiến từng phần tính trên thu nhập tháng. Người lao động sẽ thực hiện đăng ký người phụ thuộc, giảm trừ gia cảnh theo quy định.

thuế TNCN

3. Cách tính thuế thu nhập cá nhân với lao động thuê khoán

Trường hợp 1: Có đăng ký kinh doanh

Thực hiện tính thuế TNCN theo quy định của cá nhân kinh doanh tại Thông tư 92/2015/TT-BTC:

Số thuế TNCN phải nộp = doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN

Trong đó, tỷ lệ thuế TNCN được chia làm 2 loại:

  • Dịch vụ xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: tỷ lệ thuế TNCN là 2%
  • Dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên liệu: tỷ lệ thuế TNCN là 1,5%

Trường hợp 2: Không đăng ký kinh doanh. Doanh nghiệp thực hiện khấu trừ thuế tNCN với tỷ lệ 10%.

Như vậy, với mỗi hình thức lao động sẽ có cách tính thuế thu nhập cá nhân đôi phần khác nhau, vì vậy, kế toán cũng như doanh nghiệp cần lưu ý để áp dụng mức thuế một cách chính xác, tránh để xảy ra nhầm lẫn không đáng có.

>> Hướng dẫn chi tiết cách thức tính thuế thu nhập cá nhân 2019

>> Cách xác định doanh thu tính Thuế TNDN mới nhất