Tin Tức 2 Năm 2020, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng 5,5%

Năm 2020, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng 5,5%

1260

Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chính thức lựa chọn phương án tăng mức lương tối thiểu vùng lên 5,5% vào năm 2020 sau nhiều đề xuất.

Mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng khoảng từ 150.000 đồng đến 240.000 đồng

Tại phiên họp ngày 14 tháng 6, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng 8,18% hoặc 7,06%; phía  Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đề xuất tăng dưới 3%. Tiếp theo, Tổng liên đoàn Lao động đưa ra mức giảm xuống 6,7%. Còn đại diện VCCI, cũng như các doanh nghiệp tăng đề xuất khoảng 4%. Hai đề xuất trên đã thu hẹp khoảng cách rất nhiều so với phiên họp trước đó. Ở phiên thương lượng cuối, các bên đã thống nhất mức tăng 5,5% và đạt được đồng thuận khi bỏ phiếu.

 

Như vậy vào năm 2020, lương tối thiểu mỗi tháng ở vùng 1 sẽ tăng từ 4,18 lên 4,42 triệu đồng (tăng 240.000 đồng), vùng 2 tăng từ 3,71 lên 3,92 triệu đồng (tăng 210.000 đồng); vùng 3 tăng từ 3,25 lên 3,43 triệu đồng (tăng 180.000 đồng); vùng 4 tăng từ 2,92 lên 3,07 triệu đồng (tăng 150.000 đồng).

 

Phương án này được cho là sẽ đáp ứng được 100% mức sống của người lao động. Theo ông Doãn Mậu Diệp – Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia: “Mức lương tối thiểu cũng là mức lương đã được các bên cân đối nhiều mặt và sẽ được áp dụng chung cho mọi ngành nghề, mọi doanh nghiệp.”

 

“Đây là lần đầu tiên sau 6 năm thành lập, các thành viên của Hội đồng đạt được đồng thuận ngay trong phiên đàm phán thứ 2, thay vì 3 – 4 phiên như trước.” – Ông Diệp cho biết thêm.

 

Ông Lê Đình Quảng – Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận xét rằng ông hy vọng mức tăng khoảng 5,6-6,5%, song phương án 5,5% cũng có thể chấp nhận được.

 

Cũng theo ông Quảng, việc tăng mức lương tối thiểu sẽ gây áp lực cho doanh nghiệp, nhưng đó là động lực để người lao động có điều kiện cống hiến.

 

Phó Chủ tịch VCCI – với kì vọng mức lương tối thiểu sẽ tăng thấp hơn để giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng nhận định: “Chỉ cần tăng thêm 1% tối thiểu thì chi phí của doanh nghiệp cũng tăng trên dưới 10%. Tuy nhiên, với tinh thần thiện chí để hài hòa lợi ích giữa các bên, chúng tôi đồng ý với mức tăng 5,5%”.

Mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng 5,5% vào năm 2020

Mức lương tối thiểu là gì? Tại sao cần tăng mức lương tối thiểu?

 

Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất, là cơ sở để doanh nghiệp, người lao động thỏa thuận và trả lương. Người được áp dụng mức lương này làm việc theo chế độ hợp đồng của Bộ luật lao động; làm việc trong doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê lao động.

 

Cần tăng mức lương tối thiểu bởi mức lương tối thiểu có vị trí đặc biệt, là cơ sở để Nhà nước và người sử dụng lao động xác định các thang, bảng lương phù hợp với đơn vị mình; mức lương tối thiểu là cơ sở để tính toán các khoản phụ cấp và thưởng trả cho người lao động, là cơ sở để thực hiện một số chế độ bảo hiểm xã hội và chế độ ưu đãi xã hội đối với người có công.

 

Mức lương tối thiểu là sự đảm bảo có tính pháp lý của Nhà nước đối với người lao động trong mọi ngành nghề, khu vực có tồn tại quan hệ lao động, đảm bảo đời sống tối thiểu cho họ phù hợp với khả năng của nền kinh tế. Xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ người lao động khi tham gia quan hệ lao động, Nhà nước quy định mức lương tối thiểu như là một sự đảm bảo về mặt pháp lý đối với người lao động.

 

Trong quan hệ lao động, người lao động phải bỏ ra một lượng sức lực nhất định để tạo ra giá trị thặng dư và nhận một khoản tiền công do người sử dụng lao động trả. Trên cơ sở giá trị sử dụng của mình, với khoản tiền lương đó, người lao động mới có thể duy trì được cuộc sống của bản thân và gia đình.