Nghiệp Vụ old Cách tính nguyên giá tài sản cố định cho doanh nghiệp

Cách tính nguyên giá tài sản cố định cho doanh nghiệp

2122

Tài sản cố định (TSCĐ) là những tư liệu sản xuất chuyên dùng trong sản xuất kinh doanh, có giá trị lớn và dùng được vào nhiều chu kỳ sản xuất. Tài sản cố định được chia làm 3 loại: TSCĐ hữu hình, TSCĐ vô hình và TSCĐ thuê tài chính. Để xác định được một cách chính xác giá của TSCĐ, cần phải hiểu rõ tính chất của từng loại và những quy định mới nhất hiện nay liên quan đến TSCĐ. Dưới đây là cách tính nguyên giá của từng loại TSCĐ mà doanh nghiệp cần quan tâm.

I. Tài sản cố định hữu hình

TSCĐ hữu hình là những tư liệu lao động có hình thái vật chất tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh nhưng vẫn giữ nguyên hình thái vật chất ban đầu như nhà cửa, máy móc, thiết bị…

TSCĐ hữu hình

Bộ tài chính cũng đã ra Thông tư 45/2013/TT-BTC quy định những tiêu chuẩn nhận biết TSCĐ hữu hình, bao gồm những tiêu chí sau:

  • Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó.
  • Có thời gian sử dụng trên 1 năm.
  • Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30.000.000 trở lên.

Nếu tài sản không thỏa mãn đủ các tiêu chí trên thì sẽ được coi là công cụ, dụng cụ chứ không phải là TSCĐ hữu hình.

Nguyên giá của TSCĐ hữu hình được chia thành 7 loại lần lượt như sau

1. Tài sản cố định hữu hình từ mua sắm

Nguyên giá TSCĐ hữu hình = Giá mua + Thuế (Không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại) + Các chi phí liên quan

Trong đó:

  • Giá mua là giá thực tế phải trả để mua tài sản.
  • Các chi phí liên quan là những chi phí giúp cho tài sản có thể được đưa vào trạng thái sử dụng như: chi phí bốc dỡ, vận chuyển, lắp đặt, nâng cấp, lệ phí trước bạ…

tài sản cố định

2. Tài sản cố định hữu hình mua theo hình thức trao đổi

Nguyên giá TSCĐ hữu hình = Giá trị hợp lý của TSCĐ nhận về hoăc mang đi trao đổi + Các khoản thuế (không gồm thuế được hoàn lại) + Các chi phí liên quan để đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng

Trong trường hợp trao đổi TSCĐ hữu hình này với một TSCĐ hữu hình tương tự, hoặc bán để đổi lấy quyền sở hữu một tài sản tương tự (có công dụng, giá trị tương đương trong một lĩnh vực), thì nguyên giá của TSCĐ hữu hình là giá trị còn lại của TSCĐ hữu hình đem trao đổi.

3. Tài sản cố định hữu hình tự xây dựng hoặc tự sản xuất

Nguyên giá TSCĐ hữu hình = Giá trị quyết toán công trình khi đưa vào sử

Lưu ý: Nếu TSCĐ đã được đưa vào sử dụng nhưng lại chưa thực hiện quyết toán thì doanhn nghiệp cần hạch toán nguyên giá theo giá tạm tính và điều chỉnh sau kho quyết toán công trình hoàn thành.

Nguyên giá TSCĐ hữu hình = Giá thành thực tế + Chi phí khác tính đến thời điểm đưa vào trạng thái sử dụng – (lãi nội bộ, giá trị sản phẩm thu hồi được trong quá trình chạy thử, sản xuất thử, các chi phí không hợp lý như vật liệu lãng phí, lao động hoặc các khoản chi phí khác vượt quá
định mức quy định trong xây dựng hoặc sản xuất)

4. Tài sản cố định hữu hình do đầu tư xây dựng (theo phương thức giao thầu)

Nguyên giá TSCĐ hữu hình = Giá quyết toán công trình xây dựng + Lệ phí trước bạ, các chi phí liên quan trực tiếp khác

Lưu ý: nếu TSCĐ do đầu tư xây dựng đã đưa vào sử dụng nhưng chưa thực hiện quuyeest toán thì doanh nghiệp hạch toán nguyên giá theo tạm tính và điều chỉnh sau khi quyết toán công trình hoàn thành.

tài sản cố định

5. Tài sản cố định hữu hình được tài trợ, biếu, tặng do phát hiện thừa

Nguyên giá TSCĐ hữu hình = Giá trị theo đánh giá thực tế của Hội đồng giao nhận hoặc tổ chức định giá chuyên nghiệp

6. Tài sản cố định hữu hình được cấp, được điều chuyển đến

Nguyên giá loại TSCĐ này được tính theo 2 cách:

Cách 1: Nguyên giá = Giá trị còn lại của TSCĐ trên số kế toán ở đơn vị cấp, đơn vị điều chuyển.

Cách 2: Nguyên giá = Giá trị theo đánh giá thực tế của tổ chức định giá chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật + Chi phí liên quan.

7. Tài sản cố định hữu hình nhận góp vốn hoặc nhận lại vốn góp

Nguyên giá TSCĐ này là do:

  • Sự nhất trí của các thành viên, cổ đông sáng lập
  • Thỏa thuận của doanh nghiệp và người góp vốn
  • Định giá của tổ chức chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật và được chấp nhận bởi các thành viên, cổ đông sáng lập

II. Tài sản cố định vô hình

TSCĐ vô hình là những tài sản không có hình thái vật chất, thể hiện một lượng giá trị đã được đầu tư thoả mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định vô hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh, như một số chi phí liên quan trực tiếp tới đất sử dụng; chi phí về quyền phát hành, bằng phát minh, bằng sáng chế, bản quyền tác giả…

tài sản cố định vô hình

Cách xác định nguyên giá TSCĐ vô hình được quy định tại Khoản 2, Điều 4 Thông tư Thông tư 45/2013/TT-BTC và Điều 2 Thông tư Thông tư 28/2017/TT-BTC. Từng loại TSCĐ vô hình được xác định lần lượt như sau

1. Tài sản cố định vô hình mua sắm

Nguyên giá = Giá mua thực tế phải trả + Thuế (không gồm thuế được hoàn lại) + Chi phí liên quan trực tiếp tính đến thời điểm đưa TSCĐ vào sử dụng

2. Tài sản cố định vô hình mua theo hình thức trao đổi

Nguyên giá TSCĐ vô hình = Giá trị hợp lý của TSCĐ nhận về hoặc đem trao đổi + Thuế (không gồm thuế được hoàn lại) + Chi phí liên quan trực tiếp tính đến thời điểm đưa TSCĐ vào sử dụng

3. Tài sản cố định vô hình được cấp, biếu, tặng

Nguyên giá loại TSCĐ này = Giá trị hợp lý ban đầu + Chi phí liên quan trực tiếp tính đến thời điểm đưa TSCĐ vào sử dụng

4. Tài sản cố định vô hình được điều chuyển đến

Nguyên giá TSCĐ = Nguyên giá ghi trên sổ sách kế toán doanh nghiệp có tài sản điều chuyển

Doanh nghiệp khi tiếp nhận TSCĐ được điều chuyển đến phải có trách nhiệm hạch toán nguyên giá, giá trị hao mòn và giá trị còn lại của tài sản theo quy định

 

tài sản cố định vô hình

5. Tài sản cố định vô hình được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp

Nguyên giá TSCĐ = Các chi phí liên quan trực tiếp đến khâu xây dựng, sản xuất thử nghiệm tính đến thời điểm đưa TSCĐ đó vào sử dụng

Riêng các chi phí phát sinh trong nội bộ để doanh nghiệp có nhãn hiệu hàng hoá, quyền phát hành, danh sách khách hàng, chi phí phát sinh trong giai đoạn nghiên cứu và các khoản mục tương tự không đáp ứng được tiêu chuẩn và nhận biết TSCĐ vô hình được hạch toán vào chi phí kinh doanh trong kỳ.

6. Tài sản cố định vô hình là quyền sử dụng đất

Nguyên giá TSCĐ = Giá trị quyền sử dụng đất góp vốn = Các khoản tiền chi ra để có quyền sử dụng đất hợp pháp + Chi phí cho đền bù giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng, lệ phí trước bạ

7. Tài sản cố định vô hình là quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp

Nguyên giá của loại tài sản này là toàn bộ chi phí thực tế được doanh nghiệp chi ra để có được quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp

8. Tài sản cố định vô hình là các chương trình phần mềm

Nguyên giá TSCĐ này sẽ là toàn bộ chi phí thực tế mà doanh nghiệp dùng để mua các chương trình phần mềm trong trường hợp chương trình phần mềm là một bộ phận có thể tách rời với phần cứng có liên quan, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn.

tài sản cố định vô hình

III. Tài sản cố định thuê tài chính

TSCĐ thuê tài tính là những TSCĐ mà doanh nghiệp thuê của công ty cho thuê tài chính. Khi kết thúc thời hạn thuê, bên thuê được quyền lựa chọn mua lại tài sản thuê hoặc tiếp tục thuê theo các điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng thuê tài chính. Tổng số tiền thuê một loại tài sản quy định tại hợp đồng thuê tài chính, ít nhất phải tương đương với giá trị của tài sản đó tại thời điểm ký hợp đồng.

Cách xác định nguyên giá TSCĐ thuê tài chính như sau:

Nguyên giá TSCĐ (phản ánh ở đơn vị thuê) = Giá trị của tài sản thuê tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản + Chi phí trực tiếp phát sinh ban đầu liên quan đến hoạt động thuê tài chính

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp những thông tin hữu ích nhất giúp cho doanh nghiệp hiểu rõ hơn về tài sản cố định và cách xác định nguyên giá tương ứng với từng loại tài sản đó.

>> Tài sản cố định là gì? Cách phân loại tài sản cố định trong doanh nghiệp