Nổi bật 2 Lãnh đạo Deloitte nói về quá trình Khống chế chi phí lãi...

Lãnh đạo Deloitte nói về quá trình Khống chế chi phí lãi vay ở Việt Nam

525
Lãnh đạo Deloitte nói về quá trình Khống chế chi phí lãi vay ở Việt Nam

Theo tác giả Đinh Mai Hạnh – Phó Tổng giám đốc Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam. Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính ngày 03/12/2019.

Bài viết này trình bày tóm tắt các vướng mắc điển hình trong quá trình áp dụng quy định này tại Việt Nam và các khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế về chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận đối với vấn đề này cũng như thực tiễn áp dụng ở các nước mang tính chất tham khảo.

Lãnh đạo Deloitte nói về quá trình Khống chế chi phí lãi vay ở Việt Nam
Bà Đinh Mai Hạnh – Phó Tổng giám đốc Tư vấn Thuế (Deloitte Việt Nam)

Quy định trần lãi vay được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, ngày 24/2/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết được xem là một trong những giải pháp hạn chế tình trạng lạm dụng vốn mỏng và tài trợ vốn/tài trợ tài chính nội bộ giữa các thành viên trong tập đoàn đa quốc gia với mục đích tránh thuế.

Chương trình hành động số 4 thuộc 15 chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có hướng dẫn về chống xói mòn cơ sở thuế thông qua các khoản khấu trừ lãi tiền vay quá hạn mức và các khoản thanh toán tài chính khác.

Việc áp dụng mức khống chế chi phí lãi vay tại khoản 3, Điều 8, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, ngày 24/2/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết cũng tham chiếu theo chương trình hành động số 4 của BEPS nói trên, có quy định như sau

Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế (EBITDA).

Các vướng mắc khi áp dụng quy định khống chế chi phí lãi vay

Tính nhất quán của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP. Theo quy định tại Luật Thuế TNDN hiện hành, doanh nghiệp (DN) được trừ mọi khoản chi phí thực tế phát sinh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nếu có đầy đủ hồ sơ, chứng từ.

Việc khống chế chi phí lãi vay theo Nghị định 20 không được quy định trong Luật Thuế TNDN cũng khiến các DN gặp khó khăn trong việc áp dụng, bởi Luật Thuế TNDN là văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

Tại Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định “Xác định chi phí để tính thuế trong một số trường hợp cụ thể đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đặc thù”, nhưng tại Thông tư số 41/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 chưa định nghĩa cụ thể về “giao dịch liên kết đặc thù”.

Do đó, theo các thông tin phản ánh trên báo chí, nhiều doanh nghiệp thắc mắc liệu các giao dịch của công ty có thuộc phạm vi áp dụng Khoản 3, Điều 8 hay không.

Bên cạnh đó, một vấn đề gây băn khoăn khác là nếu DN có phát sinh giao dịch liên kết tức là thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, nhưng giao dịch này không liên quan đến giao dịch vay.  Vậy liệu chi phí lãi vay trả cho ngân hàng thương mại tức là bên độc lập có chịu mức khống chế chi phí lãi vay không?

Việc khống chế chi phí lãi vay tác động đến một số mô hình hoạt động đặc thù, ví dụ như tập đoàn trong nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con, hoặc DN hoạt động trong các lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn như bất động sản.

Mô hình công ty mẹ – con, trong đó công ty mẹ chuyên thực hiện chức năng quản lý vốn tập trung của tập đoàn đang trở thành một mô hình hoạt động phổ biến.

Tuy nhiên, để thực hiện dự án đầu tư cần tiếp cận nguồn vốn lớn, các công ty thành viên của các tập đoàn trong nước thường không đủ năng lực để được vay vốn từ các ngân hàng thương mại.

Hơn nữa, tập đoàn huy động vốn tập trung thông thường sẽ có mức lãi suất ưu đãi hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động. Do đó, các tập đoàn, tổng công ty phải huy động vốn tập trung tại công ty mẹ để chuyển vốn cho các công ty con, công ty thành viên.

Việc khống chế tổng chi phí lãi vay tạo rào cản trong việc cho vay nội bộ trong tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn,làm phát sinh thêm chi phí do phải nộp thuế trùng đối với một giao dịch kinh doanh. Cụ thể là, bên cho vay phải nộp thuế TNDN đối với thu nhập từ lãi tiền vay, trong khi bên đi vay phải nộp thuế TNDN đối với chi phí tiền vay vượt mức khống chế.

Khuyến nghị của BEPS và thực tiễn áp dụng ở các quốc gia

Tại Chương 5, BEPS khuyến nghị các nước cân nhắc sử dụng chỉ tiêu chi phí lãi vay thuần, được tính bằng chi phí lãi vay trừ thu nhập lãi vay.

Cách tính này sẽ hạn chế một khoản chi phí lãi vay bị loại trừ hai lần khi tính thuế TNDN ở cả công ty mẹ và công ty con, nên giảm rủi ro trùng thuế (Chương 5).

Ngoài ra, nguyên tắc này còn cho phép công ty mẹ vay từ bên độc lập (ví dụ như ngân hàng thương mại) và cho vay lại cho các công ty thành viên trong tập đoàn mà không gặp phải trường hợp bị đánh thuế trùng.

Ngoài ra, mức khống chế có thể được tính theo tỷ lệ cố định, trong đó chi phí lãi vay thuần được trừ dao động trong khoảng 10% – 30% của EBITDA (Việt Nam đang áp dụng mức 20% EBITDA). Hoặc tính theo tỷ lệ tập đoàn.

Tỷ lệ tập đoàn được hiểu là công ty thành viên trong tập đoàn sẽ được khấu trừ chi phí lãi vay theo tỷ lệ EBITDA của công ty so với tổng EBITDA của tập đoàn (Chương 7).

BEPS cũng khuyến nghị các công ty trong Tập đoàn nên xem xét cách tính theo tỷ lệ cố định hay tỷ lệ Tập đoàn sẽ mang lại lợi ích cao hơn để áp dụng.

Một ví dụ điển hình là ở Vương quốc Anh, người nộp thuế được lựa chọn cách tính mức khống chế lãi vay có lợi hơn theo một trong hai cách: tỷ lệ cố định tính theo 30% EBITDA hoặc tính theo tỷ lệ tập đoàn.

Các nước hiện đang áp dụng nhiều cơ chế khác nhau về việc khống chế chi phí lãi vay nhưng có thể thấy một điểm chung là điều khoản này được áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp có giao dịch liên kết liên quan đến lãi vay.

Cụ thể tại Malaysia, chi phí lãi vay phát sinh với bên liên kết trong các giao dịch xuyên biên giới bị khống chế ở mức 20% EBITDA tính thuế.

Tại Indonesia, tỷ lệ vốn vay trên vốn góp chủ sở hữu cho tất cả các doanh nghiệp là 4:1, tức là chi phí lãi vay của phần vốn vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu không được trừ khi tính thuế TNDN.

Tại Nhật Bản, chi phí lãi vay phát sinh với bên liên kết không được vượt quá 50% thu nhập chịu thuế.

Bên cạnh đó, Trung Quốc quy định lãi vay thực trả cho các bên liên kết không được trừ nếu tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu vượt quá 5:1 đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính là 5:1; và 2:1 đối với các DN khác.

Cùng với đó, Hàn Quốc quy định nếu công ty trong nước vay vốn của nhà đầu tư ở nước ngoài hoặc từ bên thứ ba dưới hình thức bảo lãnh thanh toán của nhà đầu tư ở nước ngoài và số tiền vay đó vượt quá 2 lần số vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, thì chi phí lãi vay tương ứng với số vốn vay vượt quá sẽ bị loại trừ khỏi chi phí được khấu trừ của công ty trong nước.

Tại Chương 8, Chương trình hành động số 4 của BEPS khuyến nghị áp dụng cơ chế chuyển tiếp chi phí lãi vay vượt mức khống chế sang khấu trừ vào kỳ sau.

Cơ chế này giúp giảm tác động đến các doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư, mới hoạt động hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh.

Tại chương 11, BEPS khuyến nghị các nước có lịch trình áp dụng linh hoạt, đặt trong mối tương quan với điều kiện thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp, môi trường đầu tư và tính thống nhất của hệ thống pháp luật ở từng quốc gia.

Hiện tại, có một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như: Singapore, Thái Lan và Myanmar chưa có quy định về mức khống chế chi phí lãi vay.

Do đó, Việt Nam nên tiếp tục nghiên cứu, tham khảo thêm các quy định và thông lệ quốc tế, khảo sát đánh giá mô hình hoạt động, thực trạng cơ cấu vốn, chu kỳ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20/2017/NĐ-CP để vừa chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận theo khuyến nghị của OECD đồng thời phải tạo điều kiện cho DN huy động vốn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nguồn: Tapchitaichinh.vn

Xem thêm: 

Báo cáo kiểm toán cần đáp ứng những yêu cầu gì?

Quy định và nguyên tắc kiểm toán báo cáo tài chính mà bạn nên biết

Đóng BHXH tự nguyện có được hưởng trợ cấp thất nghiệp?

Nghỉ việc sau khi nghỉ không lương có được hưởng TCTN?

Làm sao để cùng được hưởng Trợ cấp thất nghiệp và Trợ cấp BHXH?

Thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19