Nổi bật 1 Nợ phải trả là gì? Điều kiện ghi nhận nợ phải trả...

Nợ phải trả là gì? Điều kiện ghi nhận nợ phải trả thế nào?

9424
Nợ phải trả là gì? Điều kiện ghi nhận nợ phải trả thế nào?

Nợ phải trả là một trong các nguồn hình thành nên tài sản của đơn vị kế toán. Nợ phải trả là gì? Điều kiện ghi nhận nợ phải trả như thế nào? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây.

Nợ phải trả là gì? Điều kiện ghi nhận nợ phải trả thế nào?

Nợ phải trả là gì?

Trên bảng cân đối kế toán, nợ phải trả (NPT) biểu thị phần giá trị tài sản không thuộc quyền sở hữu của đơn vị. Bản chất NPT là loại nguồn có tính tạm thời đơn vị kế toán chỉ được huy động trong một khoảng thời gian nhất định và sau khoảng thời gian đó sẽ phải trả cho các chủ nợ. Nói cách khác ,khi phát sinh một khoản NPT, đơn vị kế toán có nghĩa vụ sẽ phải trả cho khoản nợ đó trong tương lai bằng các nguồn lực của mình. NPT có thể được định nghĩa như sau:

Nợ phải trả là nghĩa vụ tài chính hiện tại mà đơn vị kế toán phải thanh toán bằng nguồn lực của mình.

Nghĩa vụ tài chính hiện tại có thể là nghĩa vụ pháp lý phát sinh từ hợp đồng hoặc văn bản pháp luật hiện hành. Ví dụ như hợp đồng vay tiền, hợp đồng mua chịu vật tư, hàng hóa,… Hoặc cũng có thể là nghĩa vụ phát sinh từ chính những cam kết do doanh nghiệp tự xây dựng nhằm duy trì mối quan hệ với khách hàng như bảo hành sản phẩm, hàng hóa, bảo hành công trình xây dựng.

Điệu kiện ghi nhận nợ phải trả

Để được ghi nhận là NPT, một nghĩa vụ phải thỏa mãn các điều kiện:

  • Có khả năng tiền tệ hóa một cách đáng tin cậy.
  • Đơn vị phải thanh toán bằng nguồn lực của mình.
  • Là kết quả của giao dịch trong quá khứ.

Có khả năng tiền tệ hóa một cách đáng tin cậy

Một nghĩa vụ được ghi nhận là NPT trước hết phải thỏa mãn đồng thời:

  • Lượng hóa được dưới dạng tiền.
  • Giá trị được xác định một cách đáng tin cậy.

Đơn vị phải thanh toán bằng nguồn lực của mình một cách tương đối chắc chắn

Nghĩa vụ hiện tại được đơn vị thanh toán bằng chính nguồn lực của mình thông qua các hình thức được thỏa thuận giữa đơn vị kế toán và chủ nợ. Ví dụ như:

  • Chi trả bằng tiền, tài sản, cung cấp dịch vụ thay thế nghĩa vụ hiện tại này bằng nghĩa vụ hiện tại khác.
  • Chuyển đổi NPT thành vốn chủ sở hữu.

Một số khoản mục được ghi nhận trên bảng cân đối kế toán như các khoản NPT mặc dù nghĩa vụ thanh toán của đơn vị chỉ mang tính chắc chắn một cách tương đối. Ví dụ như khoản lãi vay nhận nhận trước của nhiều kỳ kế toán trong điều kiện kế toán dồn tích chỉ tiềm ẩn khả năng phải trả lại nếu xảy ra việc bên vay thanh toán khoản vay trước hạn.

Là kết quả hình thành từ giao dịch quá khứ

Một nghĩa vụ được ghi nhận NPT phải là kết quả của các nghiệp vụ đã xảy ra và hoàn thành. Các khoản nợ tiềm tàng từ hợp đồng mua, bán trong tương lai hoặc khoản nợ có tính chất ước đoán không hình thành trên cơ sở giao dịch quá khứ đều không được ghi nhận là NPT.

Một số nghĩa vụ hiện tại mang tính ước đoán nhưng phát sinh trên cơ sở các giao dịch quá khứ sẽ được ghi nhận là NPT khi có đủ bằng chứng đáng tin cậy về việc xác định giá trị ước đoán của chúng. Ví dụ như khoản trích trước chi phí bảo hành sản phẩm…

Các loại nợ phải trả

Tùy vào mục đích sử dụng thông tin, NPT có thể được phân loại theo các cách khác nhau. Kể toán lựa chọn tiêu thức phân loại nào thỏa mãn tốt nhất nhu cầu thông tin chung liên quan đến nhận diện các khoản mục tài chính thuộc NPT được trình bày trên bảng cân đối kế toán.

Căn cứ vào thời gian đáo hạn NPT được phân chia thành: NPT ngắn hạn và NPT dài hạn. Nếu căn cứ vào tiêu thức 1 năm thì:

  • Những khoản nợ có thời gian thanh toán trong vòng một năm được phân loại là NPT ngắn hạn.
  • Những khoản nợ có thời gian thanh toán trên một năm được phân loại là NPT dài hạn.

Căn cứ vào tính chất, NPT ngắn hạn và dài hạn đều bao gồm nhóm nợ có tính chất tín dụng (phải trả lãi) và nhóm nợ khác (không phải trả lãi). Mỗi nhóm nợ này tiếp tục được phân chia thành các khoản mục cụ thể.

NPT ngắn hạn bao gồm:

  • Vay ngắn hạn.
  • Phải trả ngắn hạn người bán.
  • Thuế và các khoản phải nộp nhà nước.
  • Phải trả người lao động.
  • Phải trả ngắn hạn nội bộ.
  • Phải trả ngắn hạn khác.

NPT dài hạn bao gồm:

  • Vay dài hạn.
  • Phải trả dài hạn người bán.
  • Phải trả dài hạn nội bộ.
  • Phải trả dài hạn khác.

Trong điều kiện đơn vị hoạt động liên tục, một số khoản hình thành từ vốn chủ sở hữu có thể được phân loại là NPT. Do chủ sở hữu đã cam kết từ bỏ quyền thừa hưởng của mình để phục vụ những mục tiêu nhất định và kết quả là hình thành nên nghĩa vụ tài chính và đơn vị kế toán phải thực hiện. Ví dụ như quỹ khen thưởng phúc lợi.

Xem thêm:

Thu nhập là gì? Điều kiện ghi nhận thu nhập trong đơn vị kế toán?

Chi phí là gì? Điều kiện ghi nhận chi phí trong đơn vị kế toán?

Tìm hiểu Chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 16 (Property, Plant and Equipment) – Nhà xưởng, máy móc, thiết bị


Phần mềm kế toán MISA SME.NET sẽ cung cấp mọi góc nhìn về tình hình tài chính doanh nghiệp, nhập liệu tự động và kiểm soát tính hợp lệ từ các giao dịch ngân hàng, hóa đơn, mã số thuế… MISA SME.NET là sản phẩm của MISA, công ty có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển phần mềm kế toán cho hơn 200.000 doanh nghiệp.

misa.sme.net