Kinh nghiệm Các cách tính lương cho người lao động trong doanh nghiệp

Các cách tính lương cho người lao động trong doanh nghiệp

338

Tính lương là công việc quan trọng và thường xuyên mà kế toán phải thực hiện. Có nhiều cách tính lương khác nhau, tuy nhiên doanh nghiệp cần lựa chọn cách tính lương phù hợp với doanh nghiệp của mình. Ketoan.vn xin cung cấp cho bạn đọc một số cách tính lương phổ biến tại bài viết sau.

Các cách tính lương cho người lao động trong doanh nghiệp

Căn cứ tính lương trong doanh nghiệp

Để tính lương cho người lao động, kế toán cần căn cứ vào các chứng từ, tài liệu sau:

– Bảng chấm công.

>>> Mời tải về mẫu bảng chấm công theo ca (file Excel)

– Hợp đồng lao động, hợp đồng giao khoán.

– Phiếu xác nhận sản phẩm.

– Phiếu xác nhận khối lượng công việc hoàn thành.

– Quy chế lương thưởng của doanh nghiệp.

Các cách tính lương phổ biến trong doanh nghiệp

Tính lương theo thời gian

Theo cách tính lương này, người lao động sẽ được trả lương theo thời gian làm việc cụ thể. Có thể là theo tháng, theo ngày, theo giờ. Căn cứ theo Điều 22, Nghị định 05/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung):

– Tiền lương tháng trả cho 1 tháng làm việc của người lao động xác định trên cơ sở hợp đồng lao động.

– Tiền lương tuần trả cho 1 tuần làm việc của người lao động được xác định theo công thức:

Tiền lương tuần = (tiền lương tháng x 12 tháng)/ 52 tuần

– Tiền lương ngày trả cho một ngày làm việc của người lao động tính theo công thức:

Tiền lương ngày = tiền lương tháng/số ngày làm việc bình thường theo quy định

– Tiền lương giờ trả cho 1 giờ làm việc của người lao động được xác định theo công thức:

Tiền lương giờ = tiền lương ngày/số giờ làm việc bình thường trong ngày.

Tuy nhiên hiện nay trong doanh nghiệp thường áp dụng 2 cách tính lương phụ thuộc vào việc doanh nghiệp có quy định ngày công chuẩn hay không.

Cách 1: Doanh nghiệp không quy định ngày công chuẩn

Lương tháng =

Lương cơ bản + Phụ cấp (nếu có)

x Số ngày làm việc thực tế

 

Ngày công chuẩn của tháng

Ngày công chuẩn được hiểu là số ngày làm việc trong tháng, không bao gồm các ngày nghỉ (chủ nhật, nghỉ lễ). Những tháng có 30 và 31 ngày thì có tối đa 26 ngày công chuẩn.

Cách 2: Doanh nghiệp quy định ngày công chuẩn.

Doanh nghiệp thường quy định số ngày công chuẩn là 24 hoặc 26 ngày.

Nếu doanh nghiệp tự quy định là 26 ngày thì lương tháng tính như sau:

Lương tháng  =

Lương cơ bản + Phụ cấp (nếu có)

x  Số ngày làm việc thực tế

 

26

Các khoản phụ cấp

Một số khoản phụ cấp bao gồm:

– Phụ cấp trách nhiệm: khoản phụ cấp này phải cộng vào lương để đóng BHXH bắt buộc và phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN. Phụ cấp này thường dành cho giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng…

– Phụ cấp ăn trưa: Khoản phụ cấp này không phải cộng vào lương để trích BHXH. Nếu phụ cấp ăn trưa dưới 730.000 đồng/người/tháng thì không phải cộng vào thu nhập tính thuế TNCN. Nếu phụ cấp ăn trưa cao hơn 730.000 đồng/người/tháng thì phần chênh lệch vượt mức phải tính vào thu nhập tính thuế TNCN.

– Phụ cấp điện thoại: không phải cộng vào lương để trích BHXH bắt buộc và thuế TNCN.

– Phụ cấp xăng xe: không phải cộng vào lương để trích BHXH bắt buộc nhưng phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.

Tính lương theo sản phẩm

Các cách tính lương cho người lao động trong doanh nghiệp

Theo cách tính này, người lao động sẽ được trả lương căn cứ vào số sản phẩm hay phần trăm công việc đã hoàn thành.

Công thức tính lương theo sản phẩm như sau:

Lương  =

Đơn giá sản phẩm   x

Số lượng sản phẩm hay % công việc đã hoàn thành

Trả lương theo hình thức khoán

Theo hình thức này, người lao động sẽ được trả lương khi hoàn thành lượng công việc đã thỏa thuận ban đầu.

Cách tính lương theo trả lương khoán:

Lương   = Mức lương khoán   x Tỷ lệ % hoàn thành công việc

Tính lương theo doanh thu

Theo cách tính lương này, lương của người lao động sẽ được tính dựa trên doanh số đạt được của cá nhân người lao động hoặc của nhóm cá nhân. Doanh nghiệp có thể trả lương dựa trên:

– Lương/thưởng dựa trên doanh số của cá nhân

– Lương/thưởng dựa trên doanh số của 1 nhóm cá nhân.

Trên đây là một số cách tính lương trong doanh nghiệp. Bạn đọc có thể tham khảo và áp dụng cho doanh nghiệp của mình. Chúc các bạn thành công.

Xem thêm:

Tải về miễn phí mẫu Bảng kê mua hàng mới nhất năm 2020

Nghị định số 22/2020/NĐ-CP quy định một số thay đổi về lệ phí môn bài

Mời tải về mẫu Biên bản thanh lý hợp đồng giao khoán mới nhất