Nghiệp Vụ old Tất cả những điều cần biết về kế toán tổng hợp trong...

Tất cả những điều cần biết về kế toán tổng hợp trong doanh nghiệp

2050
cong-viec-ke-toan-tong-hop

Kế toán tổng hợp là một phần rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để trả lời câu hỏi: Kế toán tổng hợp là gì? Công việc của kế toán tổng hợp gồm những gì? Thì không phải ai cũng làm được. Đặc biệt, với những bạn sinh viên mới ra trường thì hai câu hỏi này lại càng mơ hồ. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn một nền tảng cơ bản nhất về các công việc của kế toán tổng hợp trong doanh nghiệp.

cong-viec-ke-toan-tong-hop

1. Kế toán tổng hợp là gì?

Kế toán tổng hợp là bộ phận thu thập, kiếm tra, tổng hợp, ghi chép và xử lý các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong doanh nghiệp. Kế toán tổng hợp chịu trách nhiệm về số liệu từ tổng hợp đến chi tiết trên sổ kế toán.

Hầu hết các doanh nghiệp đều cần một kế toán tổng hợp để có thể giải quyết tất cả các vấn đề tài chính của doanh nghiệp một cách chính xác nhất. Nhờ có kế toán tổng hợp, doanh nghiệp sẽ nắm được những thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như biến động thị trường để có những chiến lược kịp thời thúc đẩy tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

2. Công việc của kế toán tổng hợp

Để làm rõ công việc của kế toán tổng hợp, bài viết sẽ phân theo trình tự thời gian:

Công việc hàng ngày

  • Thu thập, xử lý thông tin, số liệu kế toán, các chứng từ kế toán liên quan đến các nghiệp vụ kinh tế phát sinh như: hóa đơn, phiếu thu, phiếu chi, phiếu nhập, xuất,…Sau đó, tiến hành kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của hóa đơn, chứng từ kế toán liên quan đến nghiệp vụ phát sinh và tiến hành ghi chép vào sổ sách liên quan.
  • Hạch toán thu nhập, chi phí, khấu hao, TSCĐ, công nợ, nghiệp vụ khác, thuế GTGT.
  • Theo dõi và quản lý công nợ giúp người quản lý nắm được thông tin về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, tình hình chiếm dụng vốn từ khách hàng. Dựa vào đó, kế toán tổng hợp sẽ đề xuất các biện pháp để xử lý công nợ khó đòi cho doanh nghiệp, hay có các biện pháp dự phòng.

phan-tich-ke-toan-tong-hop

  • Theo dõi và tính toán giá thành sản xuất thực tế cho từng sản phẩm, tỉ lệ thiếu hụt nguyên vật liệu, phụ liệu đi kèm và chi phí sản xuất dở dang. Từ đó, có các biện pháp và chiến lược để cải thiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hiệu quả hơn.
  • Kiểm tra và giám sát việc luân chuyển hàng tồn kho, thời gian tồn kho thông qua kế toán tổng hợp kho.
  • Hỗ trợ các nhân viên kế toán khác bằng cách hướng dẫn, điều phối công việc và giải đáp thắc mắc khi cần.

Công việc hàng tháng

  • Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát số liệu báo cáo kho định kì hàng tháng và định mức sản phẩm.
  • Thực hiện công việc tính lương cho nhân viên và thực hiện các khoản trích theo lương.
  • Lập bảng phân bố các chi phí bao gồm chi phí ngắn hạn, dài hạn, công cụ dụng cụ…Sau đó, hạch toán các khoản phân bổ đó.
  • Tính và trích khấu hao tài sản cố định. Đồng thời, hạch toán khoản trích khấu hao TSCĐ.
  • Cứ 6 tháng lại kiểm kê tài sản cố định.
  • Cung cấp số liệu chi tiết các khoản phân bổ, trả trước, trích trước hàng tháng và đối chiếu.
  • Tiến hành hoàn thành các bút toán phân bổ và kết chuyển.

phan-tich-bao-cao

  • Lập các Báo cáo Thuế theo quy định.
  • Theo dõi và kiểm tra việc lập bảng kê hóa đơn GTGT đầu ra, đầu vào, thuế TNCN.
  • Hoàn thành các Báo cáo Nội bộ theo yêu cầu và chỉ đạo của người Quản lý như Báo cáo tài chính, Báo cáo doanh thu…

Công việc hàng quý

Do hàng quý các doanh nghiệp cần nộp các tờ khai tính thuế, kế toán tổng hợp cần thực hiện các công việc như sau:

  • Lập tờ khai thuế GTGT, TNCN theo quý (Nếu Doanh nghiệp đủ điều kiện kê khai thuế GTGT theo quý).
  • Lập tờ khai thuế TNDN tạm tính theo quý. Chú ý đối với thuế TNDN, không cần phải nộp tờ khai mà tự tính số tiền thuế TNDN (nếu có phát sinh thì đi nộp tiền thuế TNDN).
  • Lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn quý.
  • Lập các báo cáo nội bộ dựa trên yêu cầu của người quản lý.
  • Tổng hợp số liệu hạch toán từ các khoản Phải thu, Phải trả, kế toán kho, kế toán thanh toán, kế toán thuế, kế toán giá thành, lập bảng cân đối số phát sinh tài khoản.
  • Tiến hành kiểm tra, đối chiệu số liệu chi tiết từng phần với sổ cái.

ke-toan-tong-hop (1)

Công việc hàng năm

Công việc đầu năm:

  • Đối với những doanh nghiệp đã và đang hoạt động, kế toán tổng hợp cần nộp tiền thuế Môn bài.
  • Đối với những doanh nghiệp mới thành lập, kế toán tổng hợp cần nộp tờ khai thuế Môn bài và tiền thuế Môn bài.
  • Thực hiện các bút toán đầu năm tài chính mới như: Kết chuyển lãi lỗ năm tài chính cũ và hạch toán chi phí thuế môn bài năm tài chính mới.

Công việc cuối năm:

  • Kiểm tra sự cân đối giữa số liệu kế toán chi tiết và tổng hợp.
  • Kiểm tra tính hợp lý của số dư cuối kỳ và xem có khớp đúng với các báo cáo chi tiết không.
  • Lập bảng cân đối số phát sinh tài khoản năm.
  • Lập tờ khai quyết toán thuế TNDN và TNCN.
  • Lập báo cáo tài chính.
  • Lập báo cáo quản trị theo yêu cầu của quản lý.
  • In sổ sách theo quy định như sổ quỹ, ngân hàng, báo cáo nhập xuất tồn kho, sổ chi tiết,…

3. Quyền hạn của kế toán tổng hợp

Trực tiếp yêu cầu các kế toán điều chỉnh nghiệp vụ khi phát hiện sai.

Yêu cầu các kế toán viên cung cấp báo cáo kịp thời và đầy đủ theo quy định.

4. Quan hệ công việc

Nhân viên kế toán tổng hợp cần duy trì quan hệ với cả bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Cụ thể những đối tượng nhân viên kế toán tổng hợp cần chú ý như sau:

Quan hệ nội bộ doanh nghiệp:

  • Nhân viên, các phòng ban trong doanh nghiệp.
  • Nhân viên chịu trách nhiệm báo cáo trong phòng Kế toán.
  • Kế toán viên – người sẽ cung cấp thông tin trực tiếp.

quan-he-dong-nghiep

Quan hệ ngoài doanh nghiệp:

  • Cục thuế
  • Ngân hàng
  • Khách hàng
  • Nhà cung cấp

5. Kĩ năng cần thiết của nhân viên kế toán tổng hợp

Năng lực chuyên môn

Đảm bảo đáp ứng đủ tiêu chuẩn về nghiệp vụ kế toán, có năng lực tổng hợp, phân tích và nắm vững chế độ kế toán. Năng lực chuyên môn thể hiện qua bằng cấp chuyên ngành và trong quá trình làm việc, học hỏi.

Kĩ năng tin học văn phòng

Việc thành thạo các công cụ tin học văn phòng, đặc biệt là phần mềm Excel và các phần mềm kế toán sẽ là một điểm cộng vô cùng lớn. Điều đó sẽ giúp bạn thực hiện công việc kế toán tổng hợp một cách dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Kỹ năng phân tích, quan sát tổng hợp

Công việc kế toán tổng hợp bao gồm khá nhiều đầu công việc đòi hỏi khả năng quan sát, phân tích, nhận định, đánh giá một cách tổng quát như thu thập chứng từ, hóa đơn, sổ sách, báo cáo…Sau đó, có những tổng hợp để đưa ra bút toán, hạch toán chính xác và có những chiến lược để phát triển hoạt động của doanh nghiệp.

Kỹ năng sắp xếp, quản lý thời gian

Khối lượng công việc kế toán tổng hợp tương đối nhiều. Chính vì vậy, người làm kế toán tổng hợp cần có khả năng sắp xếp và phân bổ thời gian hợp lí để hoàn thành được tất cả đầu công việc. Từ đó, nâng cao được hiệu quả công việc.

ki-nang-quan-ly-thoi-gian

Kỹ năng giao tiếp, ứng xử chuyên nghiệp

Vì kế toán tổng hợp cần phải làm việc với nhiều đối tượng khác nhau, cần duy trì quan hệ không chỉ nội bộ mà còn quan hệ với đối tác bên ngoài. Chính vì vậy, khả năng giao tiếp khéo léo, chuyên nghiệp là một điều vô cùng quan trọng.

Khả năng chịu được áp lực công việc cao

Công việc của kế toán tổng hợp phải đối mặt với nhiều loại chứng từ, sổ sách, các vấn đề liên quan đến báo cáo, tài chính. Một khối lượng công việc tương đối lớn. Nếu như không có một tinh thần théo, một khả năng chịu đựng áp lực công việc cao thì rất dễ bạn sẽ không thể thích nghi với công việc này.

Có thể thấy kế toán tổng hợp là một bộ phận không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Để hoàn thành tốt công việc của kế toán tổng hợp, việc nắm rõ công việc, quyền hạn, những kĩ năng cần thiết là điều đầu tiên mọi nhân viên kế toán nên làm. Bài viết hy vọng đã cung cấp những kiến thức cơ bản nhất, cần thiết nhất giúp mọi kế toán tổng hợp thực hiện tốt công việc của mình.