Kinh nghiệm Nắm vững bản chất, đối tượng và phương pháp hạch toán kế...

Nắm vững bản chất, đối tượng và phương pháp hạch toán kế toán

369
Nắm vững bản chất, đối tượng và phương pháp hạch toán kế toán

Đối với người làm kế toán, điều cơ bản nhất đó là phải nắm được những kiến thức về bản chất, đối tượng và phương pháp hạch toán, từ đó mới có thể hạch toán đúng bản chất của các nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Bài viết dưới đây, Ketoan.vn sẽ giúp bạn nắm vững được bản chất, đối tượng và phương pháp hạch toán kế toán.

Nắm vững bản chất, đối tượng và phương pháp hạch toán kế toán

1. Bản chất của hạch toán kế toán

1.1. Nhiệm vụ của hạch toán kế toán

  • Ghi chép, phản ánh các thông tin kinh tế – tài chính phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh lên chứng từ, sổ sách kế toán.
  • Lập các báo cáo tài chính để cung cấp các thông tin về tình hình đầu tư, cung cấp, dự trữ, sử dụng các nguồn lực của đơn vị.
  • Giám sát các hoạt động của đơn vị trên góc độ tài chính.
  • Kiểm tra việc tuân thủ các chế độ, chính sách của nhà nước tại doanh nghiệp.

1.2. Phân loại hạch toán kế toán

  • Hạch toán nghiệp vụ: là sự quan sát, phản ánh và kiểm tra trực tiếp từng nghiệp vụ, từng quá trình kinh tế cụ thể, phục vụ cho việc chỉ đạo thường xuyên, kịp thời tình hình thực hiện các nghiệp vụ, các quá trình đó.
  • Hạch toán thống kê: là khoa học nghiên cứu mặt sau trong mối quan hệ mật thiết với mặt chất của các hiện tượng kinh tế xã hội trong điều kiện thời gian và địa điểm cụ thể nhằm đưa ra bản chất và tính quy luật của các hiện tượng đó.
  • Hạch toán kế toán: Tương ứng với khái niệm hạch toán, đây là một môn khoa học thu thập, xử lý và cung cấp các thông tin về tài sản, nguồn hình thành tài sản và sự vận động của tài sản trong các tổ chức, đơn vị.

1.3. Nguyên tắc hạch toán kế toán

  • (1) Nguyên tắc thực thể kinh doanh: Thực thể kinh doanh là bất kỳ đơn vị kinh tế nào nắm trong tay các tiềm lực và tiến hành các hoạt động kinh doanh.
  • (2) Kỳ kế toán: là việc phân chia hoạt động của doanh nghiệp thành nhiều phân đoạn thời gian.
  • (3) Thước đo tiền tệ: Dùng tiền tệ làm thước đo thống nhất trong việc ghi chép, tính toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
  • (4) Nguyên tắc giá gốc: Việc ghi nhận tài sản, công nợ, chi phí, doanh thu phải dựa trên giá trị thực tế tại thời điểm phát sinh, không quan tâm đến giá thị trường.
  • (5) Nguyên tắc nhất quán: Kỳ kế toán không được thay đổi các nguyên tắc, khái niệm, chuẩn mực và phương pháp kế toán. Chỉ được thay đổi khi giải thích rõ lý do trong báo cáo tài chính.
  • (6) Nguyên tắc hoạt động kiến tục: Luôn đặt giả thuyết là các doanh nghiệp sẽ hoạt động liên tục vô thời hạn hoặc không giải thể trong tương lai gần.
  • (7) Nguyên tắc phù hợp: Chi phí để tính lãi lỗ là chi phí doanh nghiệp phải gánh chịu để tạo nên doanh thu trong kỳ. Một khoản doanh thu được ghi nhận tương ứng với các chi phí phát sinh liên quan để đạt được doanh thu đó.
  • (8) Nguyên tắc thận trọng: Thu thập chỉ được ghi nhận khi có chứng cứ chắc chắn và chi phí được ghi ngay khi có căn cứ xác đáng.
  • (9) Nguyên tắc trọng yếu): Một khoản mục là trọng yếu nếu có lý do để biết rằng nó có ảnh hưởng đến quyết định của những người sử dụng báo cáo tài chính.

2. Đối tượng hạch toán của kế toán

Đối tượng của hạch toán kế toán được phân tích qua các nội dung sau:

  • Phải theo dõi, ghi chép và phản ánh về toàn bộ tài sản của đơn vị và nguồn hình thành tài sản đó.
  • Tài sản trong đơn vị kế toán thường xuyên vận động. Chính vì thế, hạch toán kế toán không chỉ nghiên cứu trạng thái tĩnh mà còn nghiên cứu trạng thái động của nguồn vốn kinh doanh.
  • Hạch toán kế toán còn nghiên cứu các quan hệ kinh tế, pháp lý ngoài vốn như: tài sản cố định thuê ngoài, nhận gia công…

2.1. Tài sản

a, Điều kiện ghi nhận tài sản

  • Là nguồn lực kinh tế do doanh nghiệp có quyền sở hữu hoặc quyền kiểm soát
  • Có thời gian sử dụng lâu dài và mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai
  • Có giá trị và giá trị phải được xác định bằng tiền.

b, Phân loại tài sản

  • Tài sản ngắn hạn: là những tài sản thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp, có thời gian sử dụng, luân chuyển, thu hồi không quá một năm hoặc một chu kỳ kinh doanh.
  • Tài sản dài hạn: là những tài sản có giá trị lớn và thời gian luân chuyển dài, thường trên một năm hoặc một chu kỳ kinh doanh.

2.2. Nguồn vốn

  • Nguồn vốn chủ sở hữu là số vốn của các chủ sở hữu, các nhà đầu tư góp vốn hoặc hình thành từ kết quả  kinh doanh mà doanh nghiệp không phải cam kết thanh toán.
  • Nợ phải trả: là số tiền vốn mà doanh nghiệp đi vay, chiếm dụng của các đơn vị, tổ chức, cá nhân bên trong và bên ngoài doanh nghiệp.

Kết luận:

  • Đối tượng kế toán có tính hai mặt, độc lập với nhau nhưng cân bằng với nhau về lượng.
  • Đối tượng kế toán luôn vận động theo một trật tự xác định và khép kín.
  • Luôn có tính đa dạng
  • Mỗi đối tượng kế toán đều gắn với lợi ích kinh tế, quyền lợi, trách nhiệm của nhiều phía khác nhau.

3. Phương pháp hạch toán kế toán

3.1. Phương pháp tổng hợp và cân đối

  • Là phương pháp khái quát tình hình tài sản, nguồn vốn và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp qua các thời kỳ nhất định.
  • Tổng hợp bằng cách lập các báo cáo tài chính có tính tổng hợp và cân đối như bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh…
  • Sử dụng phương pháp này trong quản lý kinh tế khi muốn có bức tranh toàn cảnh về tình hình tài chính của doanh nghiệp.

3.2. Phương pháp tính giá

  • Là phương pháp thông tin và kiểm tra về chi phí trực tiếp hoặc gián tiếp cho từng hoạt động và từng loại hàng hóa.
  • Phương pháp này sử dụng thước đo tiền tệ để tính toán, xác định giá trị của từng loại giá trị của từng loại tài sản của đơn vị.

3.3. Phương pháp chứng từ kế toán

  • Là phương pháp thông tin và kiểm tra sự hình thành các nghiệp vụ kinh tế, để phản ánh và có thể kiểm chứng được các nghiệp vụ kinh tế.
  • Mọi nghiệp vụ kinh tế phát sinh đều phải lập chứng từ kế toán – giấy tờ hoặc vật chứa thông tin, để làm bằng chứng xác nhận sự phát sinh và hoàn thành của các nghiệp vụ kinh tế.

3.4. Phương pháp đối ứng

  • Là phương pháp thông tin và kiểm tra quá trình vận động của mỗi loại tài sản, nguồn vốn và quá trình kinh doanh theo mối quan hệ biện chứng được phản ánh trong mỗi nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
  • Phương pháp này được hình thành bởi hai phương pháp tài khoản và ghi sổ kép.

Xem thêm các bài viết tại

Các công việc của kế toán nội bộ

2 phương pháp hạch toán kế toán bán buôn hàng hóa qua kho

Kế toán cần biết phương pháp sửa sổ kế toán đúng quy định