Nghiệp vụ Công nợ Thanh toán bù trừ công nợ có được khấu trừ thuế GTGT...

Thanh toán bù trừ công nợ có được khấu trừ thuế GTGT không?

1453
thanh toán bù trừ công nợ

Bù trừ công nợ là phương thức thanh toán giữa hai bên có phát sinh giao dịch mua bán trao đổi qua lại với nhau. Trong đó, mỗi bên vừa là khách hàng, vừa là nhà cung cấp. Vậy thanh toán bằng phương pháp này có được khấu trừ thuế GTGT đầu vào hay không, hay những quy định về thuế khi thanh toán bù trừ công nợ như thế nào? Mời các bạn tìm hiểu qua bài viết dưới đây của Ketoan.vn.

thanh toán bù trừ công nợ

1. Quy định thuế TNDN về bù trừ công nợ

Theo quy định tại khoản 1, Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC về các khoản chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế như sau:

“Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên ghi trên hóa đơn mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, doanh nghiệp chưa thanh toán và chưa có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp khi thanh toán doanh nghiệp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính có phát sinh khoản chi phí này).

Đối với các hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ đã thanh toán bằng tiền mặt phát sinh trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành thì không phải điều chỉnh lại theo quy định tại Điểm này”.

Như vậy, bù trừ công nợ là một hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Do đó, khi xác định chi phí được trừ để tính thuế TNDN, khoản chi này sẽ được coi là chi phí hợp lý nếu đáp ứng đủ các điều kiện.

2. Quy định thuế GTGT về bù trừ công nợ

Theo quy định tại khoản 10 điều 1, Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015:

“a)Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức thanh toán bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào với giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra, vay mượn hàng mà phương thức thanh toán này được quy định cụ thể trong hợp đồng thì phải có biên bản đối chiếu số liệu và xác nhận giữa hai bên về việc thanh toán bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ mua vào với hàng hóa, dịch vụ bán ra, vay mượn hàng. Trường hợp bù trừ công nợ qua bên thứ ba phải có biên bản bù trừ công nợ của ba (3) bên làm căn cứ khấu trừ thuế.

b) Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức bù trừ công nợ như vay, mượn tiền; cấn trừ công nợ qua người thứ ba mà phương thức thanh toán này được quy định cụ thể trong hợp đồng thì phải có hợp đồng vay, mượn tiền dưới hình thức văn bản được lập trước đó và có chứng từ chuyển tiền từ tài khoản của bên cho vay sang tài khoản của bên đi vay đối với khoản vay bằng tiền bao gồm cả trường hợp bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào với khoản tiền mà người bán hỗ trợ cho người mua hoặc nhờ người mua chi hộ”.

Như vậy, để thanh toán bù trừ công nợ đủ điều kiện khấu trừ thuế GTGT thì cần đáp ứng các điều kiện sau:

  • Hợp đồng mua bán (quy định rõ phương thức thanh toán trong hợp đồng là bù trừ công nợ)
  • Biên bản bù trừ công nợ của hai bên (có xác nhận của hai bên)
  • Chứng từ thanh toán qua ngân hàng

3. Điều kiện để việc thanh toán bù trừ công nợ được coi là hợp lý

Đối với việc thanh toán bằng phương pháp bù trừ công nợ, kế toán cần thu thập đủ các chứng từ sau để đảm bảo cho việc kiểm tra, thanh tra:

  • Hợp đồng mua bán hàng hóa
  • Biên bản bàn giao hàng, xuất kho
  • Biên bản đối chiếu công nợ (có xác nhận của hai bên)
  • Biên bản bù trừ công nợ (có xác nhận của hai bên)
  • Chứng từ thanh toán: phiếu chi, phiếu thu, giấy báo có của ngân hàng

4. Cách hạch toán bù trừ công nợ

4.1 Khi mua hàng hóa

Hàng về nhập kho, kế toán hạch toán:

Nợ TK 152, 153, 156…

Nợ TK 1331 – Thuế GTGT đầu vào

Có TK 331 – Phải trả người bán (tổng hóa đơn)

4.2. Khi bù trừ công nợ

Căn cứ biên bản đối chiếu công nợ và biên bản bù trừ công nợ, kế toán hạch toán:

Nợ TK 331 – Phải trả người bán

Có TK 131 – Phải thu khách hàng

4.3. Khi thanh toán

Nếu số tiền thanh toán còn lại < 20 triệu, có thể sử dụng tiền mặt để thanh toán. Nếu số tiền thanh toán còn lại lớn hơn 20 triệu, cần phải thanh toán qua ngân hàng nếu muốn khấu trừ thuế GTGT và chi phí được coi là hợp lý.

Nợ TK 331 – Phải trả người bán

Có TK 111, 112…

Xem thêm bài viết tại

Cách tính thuế TNDN đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản

Vé cước phí đường bộ có được khấu trừ thuế GTGT không?

Cách xử lý hóa đơn trên 20 triệu đồng thanh toán bằng tiền mặt