Kế Toán Thuế Lưu ý về kế toán thuế Tổng hợp các khoản thu nhập không tính vào thuế TNCN cần...

Tổng hợp các khoản thu nhập không tính vào thuế TNCN cần lưu ý

1521

Kế toán thuế là một công việc đòi hỏi sự chính xác cao vì nếu không cẩn thận sẽ gây ra những sai sót vô cùng nghiêm trọng, nhất là trong việc tính thuế thu nhập cá nhân cho người lao động. Vì vậy, để tính thuế này một cách chính xác nhất thì kế toán cần lưu ý những khoản thu nhập không tính vào thuế TNCN sau đây

1. Tiền nhà ở, điện nước và cách dịch vụ kèm theo do doanh nghiệp trả thay

Khoản chi phí này sẽ không phải chịu thuế TNCN nếu thuộc một trong những trường hợp sau:

  • Nhà ở do doanh nghiệp xây dựng để cung cấp miễn phí cho nhân viên làm việc tại khu công nghiệp
  • Nhà ở do doanh nghiệp xây dựng tại khu kinh tế, địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại đó
  • Tiền nhà ở, điện nước, các dịch vụ kèm theo đối với nhà ở do doanh nghiệp trả hộ tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh (chưa bao gồm tiền thuê nhà)

2. Phí hội viên và các khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân theo yêu cầu

Chi phí này sẽ không tính vào thuế TNCN nếu thuộc các trường hợp sau:

  • Khoản phí hội viên nếu thẻ có ghi đích danh cá nhân hoặc nhóm cá nhân sử dụng như thẻ hội viên sân gôn, sân quần vợt, thẻ sinh hoạt câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao…
  • Khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân trong hoạt động chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí thẩm mỹ nếu nội dung chi trả ghi rõ tên cá nhân được hưởng.

3. Khoản tiền bảo hiểm cho người lao động không bắt buộc, không có tích lũy về phí bảo hiểm do doanh nghiệp chi trả

Trường hợp doanh nghiệp mua cho người lao động sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc và không có tích lũy về phí bảo hiểm thì khoản tiền phí này không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động.

Các loại bảo hiểm này bao gồm bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tử kỳ… mà người nhận bảo hiểm không nhận được tiền phí tích lũy từ việc tham gia bảo hiểm ngoài khoản tiền bảo hiểm hoặc bồi thường theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm trả.

thu nhập không tính thuế TNCN

4. Phần khoán chi công tác phí, trang phục… cao hơn mức quy định hiện hành của nhà nước

a) Đối với khoán chi trang phục

  • Phần chi trang phục bằng hiện vật sẽ được miễn thuế hoàn toàn
  • Phần chi trang phục bằng tiền cho người lao động không được vượt quá 5 triệu đồng/người/năm. Nếu chi phí này vượt quá 5 triệu thì doanh nghiệp sẽ bị tính thuế với phần vượt quá định mức và không được tính vào chi phí hợp ký khi tính thuế TNDN với số tiền vượt quá đó.

b) Đối với khoán chi công tác phí

Doanh nghiệp sẽ không bị khống chế đối với khoản chi phụ cấp cho người lao động đi công tác, đồng thời được tính vào chi phí được trừ nếu có hóa đơn, chứng từ. Khoản công tác phí mà doanh nghiệp khoán cho người lao động cũng sẽ tính vào chi phí được trừ, thay vì chỉ được trừ theo mức khoán áp dụng đối với cán bộ công chức, viên chắc nhà nước đi công tác. Đồng thời khoản công tác phí này cũng không bị tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động khi tính thuế TNCN.

c) Đối với khoán chi văn phòng phẩm, điện thoại cũng không bị tính vào thu nhập chịu thuế TNCN

5. Khoản hỗ trợ của doanh nghiệp cho việc khám chữa bệnh hiểm nghèo cho người lao động cùng thân nhân

Mức hỗ trợ không tính vào thu nhập chịu thuế là số tiền thực tế chi trả theo chứng từ trả tiền viện phí nhưng tối đa không quá số tiền trả viện phí của người lao động và thân nhân người lao động sau khi đã trừ số tiền chi trả của tổ chức bảo hiểm

Thân nhân của người lao động trong trường hợp này bao gồm:

  • Con đẻ
  • Con nuôi hợp pháp
  • Con ngoài giá thú
  • Con riêng của vợ hoặc chồng
  • Vợ hoặc chồng
  • Cha, mẹ đẻ
  • Cha, mẹ vợ/chồng
  • Cha dượng, mẹ kế
  • Cha, mẹ nuôi hợp pháp

6. Khoản tiền ăn giữa ca, ăn trưa

Khoản tiền do doanh nghiệp tổ chức bữa ăn giữa ca, ăn trưa cho người lao động dưới các hình thức như trực tiếp nấu ăn, mua suất ăn, cấp phiếu ăn… cũng sẽ không bị tính vào thu nhập chịu thuế TNCN

Trong trường hợp doanh nghiệp chi trả bữa ăn cho người lao động bằng tiền thì sẽ không bị tính vào thu nhập chịu thuế nếu khoản tiền đó không vượt quá 730.000 đồng/người/tháng. Nếu mức chi cao hơn quy định này thì phần chi vượt mức sẽ bị tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động.

thu nhập không tính thuế TNCN

7. Khoản tiền mua vé máy bay khứ hồi do doanh nghiệp trả hộ/thanh toán cho người lao động

Khoản tiền này sẽ không bị tính vào thu nhập chịu thuế TNCN chỉ khi người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam hoặc người Việt Nam làm việc ở nước ngoài về phép mỗi năm một lần.

Căn cứ xác định khoản tiền mua vé máy bay là hợp đồng lao động và khoản tiền thanh toán vé máy bay từ Việt Nam đến quốc gia người nước ngoài mang quốc tịch hoặc quốc gia nơi gia đình người nước ngoài sinh sống và ngược lại; khoản tiền thanh toán vé máy bay từ quốc gia nơi người Việt Nam đang làm việc về Việt Nam và ngược lại.

8. Thu nhập từ phần tiền làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương làm việc trong giờ

Phần tiền lương được trả cao hơn do phải làm việc thêm giờ được miễn thuế căn cứ vào tiền lương thực trả do phải làm thêm giờ trừ đi mức tiền lương tính theo ngày làm việc bình thường

Ví dụ: Người lao động có mức lương trả theo ngày làm việc bình thường là 40.000 đồng/người. Nếu cá nhân đó làm thêm giờ được trả 70.000 đồng/giờ thì th nhập được miễn thuế là: 70.000 – 40.000 = 30.000 đồng/giờ

Ngoài ra tiền lương hưu do Quỹ bảo hiểm xã hội trả theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hoặc tiền lương hưu nhận được từ Quỹ hưu trí tự nguyện cũng không bị tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động

>> Hướng dẫn công việc chi tiết của kế toán thuế trong doanh nghiệp

>> Cách tính thuế TNCN đối với những lao động ngắn hạn