Kinh nghiệm Kế toán công cụ dụng cụ trong doanh nghiệp như thế nào?

Kế toán công cụ dụng cụ trong doanh nghiệp như thế nào?

3482
Kế toán công cụ dụng cụ trong doanh nghiệp như thế nào?

Công cụ dụng cụ là một phần thuộc tài sản của doanh nghiệp. Cũng như tài sản cố định, công cụ dụng cụ góp phần vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra lợi ích kinh tế trong tương lai cho doanh nghiệp. Vậy, khi kế toán công cụ dụng cụ, cần lưu ý điều gì? Ketoan.vn sẽ cung cấp cho bạn cách hạch toán công cụ dụng cụ theo hướng dẫn của Thông tư 200.

Kế toán công cụ dụng cụ trong doanh nghiệp như thế nào?

Khái niệm công cụ dụng cụ

Trước hết, để hạch toán chính xác, người làm kế toán phải hiểu rõ khái niệm công cụ dụng cụ là gì?

Công cụ, dụng cụ là tư liệu lao động của doanh nghiệp. Để được coi là công cụ dụng cụ, phải thỏa mãn tính chất sau:

  • Có hình thái vậy chất và thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp (thông qua hóa đơn đầu vào, hợp đồng mua bán, giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu công cụ dụng cụ…)
  • Tham gia vào chu kỳ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
  • Có giá trị nhỏ hơn ba mươi triệu đồng và được phân bổ không quá hai năm (Theo quy định của Thông tư 123/2012/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 27/07/2012)

Như vậy, có thể thấy, khái niệm công cụ dụng cụ thì cũng tương tự như tài sản cố định nhưng chỉ khác là công cụ dụng cụ có giá trị nhỏ hơn ba mươi triệu đồng.

Nhiệm vụ của kế toán công cụ, dụng cụ

Kế toán về công cụ dụng cụ cần thực hiện những công việc sau:

  • Theo dõi, ghi chép tình hình nhập – xuất – tồn kho công cụ, dụng cụ về số lượng, và giá trị
  • Tính toán và phân bổ giá trị công cụ, dụng cụ cho từng bộ phận có liên quan
  • Kiểm kê công cụ, dụng cụ theo định kỳ để phát hiện thừa hoặc thiếu từ đó có biện pháp xử lý.
  • Theo dõi làm sao để không phải thất thoát công cụ, dụng cụ

Hạch toán công cụ dụng cụ

Nguyên tắc khi kế toán công cụ dụng cụ

Kế toán nhập, xuất, tồn kho công cụ, dụng cụ được thực hiện theo nguyên tắc giá gốc. Nguyên tắc xác định giá gốc nhập kho công cụ, dụng cụ được thực hiện như quy định đối với nguyên liệu, vật liệu.

Việc tính giá trị công cụ, dụng cụ tồn kho được thực hiện theo một trong ba phương pháp sau:

  • Nhập trước xuất trước
  • Bình quân gia quyền
  • Thực tế đích danh

Kế toán cần lưu ý việc kế toán chi tiết CCDC phải thực hiện theo từng kho, từng loại, từng nhóm, từng thứ CCDC.

Tài khoản sử dụng

Để hạch toán công cụ, dụng cụ, chúng ta sử dụng tài khoản 153 – Công cụ dụng cụ. Kết cấu tài khoản sử dụng như sau:

Bên Nợ:

  • Thể hiện tăng công cụ, dụng cụ trong kỳ.

Chứng từ kế toán sử dụng để ghi tăng bên nợ TK 153 bao gồm:

  • Hóa đơn tài chính đầu vào
  • Phiếu nhập kho
  • Phiếu chi, UNC

Bên Có:

  • Xuất công cụ, dụng cụ ra sử dụng.

Chứng từ sử dụng: Phiếu xuất kho kèm theo phiếu đề nghị xuất CCDC của bộ phận có liên quan.

Một số nghiệp vụ kinh tế cơ bản

hạch toán công cụ dụng cụ

Hạch toán khi mua công cụ dụng cụ

Khi mua công cụ, dụng cụ về nhập kho, kế toán ghi:

Nợ TK 153 – Công cụ dụng cụ

Nợ TK 1331 – Thuế GTGT đầu vào

Có TK 111,112,131

Sau khi đã xác định được công cụ dụng cụ sử dụng cho bộ phận nào, kế toán cần xác định ngày đưa công cụ dụng cụ vào sử dụng và tiến hành phân bổ cho hợp lý.

Hạch toán phân bổ công cụ dụng cụ

Khi xuất công cụ dụng cụ vào sử dụng, cần xem xét 2 trường hợp:

a, Nếu giá trị của công cụ dụng cụ nhỏ và có thể phân bổ trong một kỳ thì hạch toán luôn vào tài khoản chi phí:

Nợ TK 154, 627, 641, 642 … (sử dụng cho bộ phận nào thì hạch toán vào bộ phận đó)

Có TK 153 – Công cụ dụng cụ

b, Nếu giá trị của công cụ dụng cụ lớn và được sử dụng trong nhiều kỳ, kế toán đưa vào chi phí trả trước để tiến hành phân bổ theo từng kỳ:

Nợ TK 242 – Chi phí trả trước

Có TK 153 – Công cụ dụng cụ

Đến cuối kỳ (cuối tháng), tiến hành hạch toán chi phí công cụ dụng cụ trong tháng đo cho từng bộ phân sử dụng:

Nợ TK 154,623,627,641,642…

Có TK 242 – Chi phí trả trước

Đó là những công việc mà kế toán phải thực hiện khi phát sinh việc mua CCDC phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.